Bị Amazon đánh giá thấp khả năng AI, Google phản pháo: 'Chúng tôi mang đến hiệu suất tổng thể tốt nhất'

Amazon có hướng dẫn bán hàng nội bộ chế giễu khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) của một số đối thủ lớn nhất, gồm cả Google.

Ví dụ, nhân viên bán hàng của Amazon Web Services (đơn vị điện toán đám mây thuộc Amazon) được hướng dẫn nêu bật lịch sử xây dựng bộ xử lý silicon tùy chỉnh và chip AI của công ty như một lợi thế cạnh tranh so với Google và Microsoft. Hướng dẫn này cũng chỉ ra những hạn chế của Google về số lượng mô hình nền tảng mà công ty này cung cấp.

Tất nhiên Google không thích điều này.

"Chúng tôi lấy làm vinh dự khi họ lo lắng về chúng tôi, nhưng chuyện hư cấu không trở thành sự thật chỉ vì nó nằm trong các chủ đề thảo luận", Atle Erlingsson (người phát ngôn của Google) viết trong email gửi cho trang Insider.

Atle Erlingsson cho biết cơ sở hạ tầng AI của Google cung cấp hiệu suất "tốt nhất và nhiều mô hình AI".

"Chúng tôi không chỉ cung cấp hơn 150 mô hình AI nội bộ, cho bên thứ ba và mã nguồn mở thông qua Vertex AI, mà cơ sở hạ tầng AI của chúng tôi còn mang đến hiệu suất tổng thể tốt nhất, hiệu suất chi phí tốt nhất cũng như thời gian hoạt động ổn định và bảo mật", Atle Erlingsson viết.

Vertex AI là nền tảng học máy toàn diện được cung cấp bởi Google Cloud, giúp các doanh nghiệp xây dựng, triển khai và quản lý các mô hình AI một cách hiệu quả. Nó cung cấp một quy trình làm việc liền mạch từ việc chuẩn bị dữ liệu, huấn luyện mô hình, đến triển khai và giám sát mô hình trong môi trường sản xuất.

Tại sao Vertex AI quan trọng?

- Đơn giản hóa quá trình phát triển AI: Vertex AI giúp các nhà phát triển và các doanh nghiệp, kể cả những người không có chuyên môn sâu về học máy, có thể xây dựng và triển khai các ứng dụng AI một cách nhanh chóng và dễ dàng.

- Tăng tốc thời gian đưa sản phẩm ra thị trường: Với Vertex AI, các doanh nghiệp có thể rút ngắn đáng kể thời gian từ khái niệm đến sản phẩm, cho phép họ nhanh chóng tận dụng các lợi ích của AI.

- Cung cấp các công cụ và dịch vụ đa dạng: Vertex AI cung cấp một loạt các công cụ và dịch vụ để hỗ trợ toàn bộ vòng đời của một dự án AI, từ việc khám phá dữ liệu, xây dựng mô hình, đến tối ưu hóa và triển khai.

- Tích hợp với các công cụ và framework phổ biến: Vertex AI có thể làm việc với nhiều công cụ và framework học máy phổ biến như TensorFlow, PyTorch, và scikit-learn.

Các tính năng chính của Vertex AI

- AutoML: Tự động hóa quá trình xây dựng mô hình, giúp người dùng không cần viết code.

- Huấn luyện mô hình tùy chỉnh: Cho phép người dùng xây dựng và huấn luyện các mô hình học máy tùy chỉnh.

- Triển khai mô hình: Triển khai các mô hình đã huấn luyện thành các dịch vụ web để sử dụng trong các ứng dụng thực tế.

- Giám sát mô hình: Giám sát hiệu suất của mô hình trong môi trường sản xuất và điều chỉnh khi cần thiết.

- Tích hợp với các dịch vụ khác của Google Cloud: Vertex AI tích hợp chặt chẽ với các dịch vụ khác của Google Cloud như BigQuery, Cloud Storage, và Kubernetes.

Các ứng dụng của Vertex AI

- Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP): Xây dựng các chatbot, hệ thống tóm tắt văn bản, phân tích cảm xúc.

- Xử lý hình ảnh: Xây dựng các hệ thống nhận dạng hình ảnh, phân loại hình ảnh, phát hiện đối tượng.

- Dự báo: Dự báo doanh số, nhu cầu và các chỉ số kinh doanh khác.

- Phát hiện gian lận: Phát hiện các hoạt động gian lận trong các giao dịch tài chính.

Tóm lại, Vertex AI là nền tảng mạnh mẽ và linh hoạt, giúp các doanh nghiệp khai thác sức mạnh của AI để giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp. Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp để xây dựng và triển khai các ứng dụng AI, Vertex AI là lựa chọn đáng cân nhắc.

Google đang tham gia vào cuộc chiến khốc liệt với Amazon, Microsoft và OpenAI để giành quyền thống trị lĩnh vực AI. Những lời qua tiếng lại sau hậu trường của nhân viên bán hàng là chuyện thường thấy trong ngành công nghệ, nhưng khi chuyện này được công khai thì có thể gây hại. Google trước đây được coi là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực AI, nhưng sự xuất hiện ChatGPT và các mô hình AI của OpenAI khiến công ty này rơi vào vị trí bấp bênh.

Tương tự như vậy, Amazon là công ty dẫn đầu thị trường điện toán đám mây béo bở. Song, OpenAI phát triển cực nhanh và có bước khởi đầu thuận lợi trong lĩnh vực AI tạo sinh. Các hướng dẫn bán hàng nội bộ chỉ ra rằng một số khách hàng của Amazon Web Services đã triển khai các dự án AI đầu tiên bằng công nghệ OpenAI thay vì Amazon.

Một phát ngôn viên Amazon nói với Insider rằng phần lớn sự tăng trưởng của Amazon Web Services "được thúc đẩy bởi việc khách hàng áp dụng AI tạo sinh", đồng thời nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của công ty đang trên đà vượt qua doanh số 100 tỉ USD trong năm nay.

"Không có gì bí mật khi AI tạo sinh là lĩnh vực cực kỳ cạnh tranh. Tuy nhiên, Amazon Web Services là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây và việc khách hàng áp dụng sáng kiến AI của chúng tôi đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng liên tục cho Amazon. Amazon Web Services có nhiều dịch vụ AI tạo sinh hơn bất kỳ nhà cung cấp điện toán đám mây nào khác. Đó là lý do tại sao chỉ riêng các dịch vụ AI của chúng tôi đã có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm nhiều tỉ USD.

Đây vẫn là những ngày đầu của AI tạo sinh và với rất nhiều công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, chúng tôi nỗ lực trang bị cho các đội bán hàng của mình thông tin họ cần để giúp khách hàng hiểu lý do tại sao Amazon Web Services là nơi tốt nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất để xây dựng các ứng dụng AI tạo sinh. Việc diễn giải ngôn ngữ theo cách khác hoặc mô tả sai vị trí dẫn đầu của chúng tôi là suy đoán sai lầm", người phát ngôn Amazon cho biết.

Google phản bác khi Amazon có hướng dẫn bán hàng nội bộ chế giễu khả năng AI của mình - Ảnh: Internet

Google phản bác khi Amazon có hướng dẫn bán hàng nội bộ chế giễu khả năng AI của mình - Ảnh: Internet

Cựu CEO nêu lý do Google đang thua OpenAI và Anthropic trong cuộc đua AI

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành và Chủ tịch Google, cho biết làm việc từ xa đã làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty này trong cuộc đua AI.

Eric Schmidt nói chuyện với sinh viên tại Đại học Stanford (Mỹ) trong một bài giảng khi được hỏi về vị trí dẫn đầu hiện tại của các công ty khởi nghiệp như OpenAI và Anthropic so với Google trong lĩnh vực AI.

Một bản ghi âm bài giảng của Eric Schmidt đã được công bố trên kênh YouTube Stanford Online giữa tháng 8.

"Google quyết định rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, về nhà sớm và làm việc tại nhà quan trọng hơn chiến thắng. Lý do các công ty khởi nghiệp thành công là vì nhiều người làm việc rất chăm chỉ. Tôi rất tiếc khi phải nói thẳng như vậy, nhưng thực tế là nếu tất cả các bạn rời trường đại học và thành lập một công ty, các bạn sẽ không để nhân viên làm việc tại nhà và chỉ đến làm một ngày một tuần nếu muốn cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp khác".

Eric Schmidt là Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Google từ năm 2001 đến 2011 trước khi trao lại quyền điều hành cho người đồng sáng lập công ty là Larry Page.

Eric Schmidt tiếp tục giữ chức Chủ tịch điều hành và cố vấn kỹ thuật của Google trước khi rời công ty vào đầu năm 2020. Sau khi rời Google, doanh nhân người Mỹ sinh năm 1955 đã đầu tư vào nhiều công ty AI khác nhau, gồm cả Anthropic. Eric Schmidt cũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.

Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 53 trên thế giới với tài sản ròng 32,4 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg). Ông không phải là doanh nhân công nghệ duy nhất cho rằng làm việc từ xa gây tổn hại đến doanh nghiệp. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành hãng dịch vụ tài chính JPMorgan Chase, là một trong số những người ủng hộ mạnh mẽ việc nhân viên quay trở lại văn phòng.

"Mô hình làm việc từ xa không hiệu quả với những người trẻ tuổi trong các chương trình thực tập, không thực sự phù hợp với sự sáng tạo và sự ngẫu hứng, đồng thời không thực sự hiệu quả với việc quản lý nhân viên", Jamie Dimon nói với trang The Economist trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hồi tháng 7.2023.

Google đã giảm bớt việc làm việc từ xa hoàn toàn cho nhân viên kể từ năm 2022.

Nhân viên Google hiện làm việc theo mô hình kết hợp, trong đó dành "khoảng ba ngày ở văn phòng và hai ngày ở bất kỳ nơi nào họ làm việc tốt nhất dù đó là tại văn phòng hay ở nhà", theo Báo cáo đa dạng hàng năm 2022 của công ty.

Google cũng bắt đầu theo dõi việc ra vào văn phòng và sử dụng nó như một thước đo trong đánh giá hiệu suất, kênh CNBC đưa tin vào tháng 6.2023, trích dẫn các ghi nhớ nội bộ mà họ đã xem.

"Tất nhiên, không phải ai cũng tin vào 'những cuộc trò chuyện kỳ diệu ở hành lang', nhưng không còn nghi ngờ gì rằng, làm việc cùng nhau trong cùng một phòng tạo ra sự khác biệt tích cực", Fiona Cicconi - Giám đốc nhân sự của Google viết trong một email cho nhân viên.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bi-amazon-danh-gia-thap-kha-nang-ai-google-phan-phao-chung-toi-mang-den-hieu-suat-tong-the-tot-nhat-223144.html