Bí ẩn bất hoại của thi hài hòa thượng 101 tuổi ở Thái Lan

Tôn giáo đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật của nhiều người dân trên khắp Đông Nam Á. Nhưng sau nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế và công nghệ thay đổi không ngừng do thành quả của toàn cầu hóa đã buộc nhiều cơ sở tôn giáo cổ xưa bắt buộc phải thích ứng với thế giới hiện đại.

Xác ướp 101 tuổi

Đại sảnh của chùa nóng bức và nhớp nháp. Không khí nơi đây nặng nề với những con muỗi vo ve chớp cánh trong ánh sáng nhờ nhờ buổi chiều. Một đám đông gồm các lão bà và trẻ con đang xì xụp khấn vái với tất cả lòng thành kính và ngưỡng vọng của họ.

Các nhà sư tại chùa Krang Chu Si Charoensuk (Thái Lan) đang nâng thi hài bất hoại của hòa thượng Luang Phoo trong một nghi thức thần bí.

Các nhà sư tại chùa Krang Chu Si Charoensuk (Thái Lan) đang nâng thi hài bất hoại của hòa thượng Luang Phoo trong một nghi thức thần bí.

Họ đang nín thở, chờ đợi “Phật sống” Luang Phoo Thawaro, vị đại lão hòa thượng quá cố ở chùa này, để mong được chiêm ngưỡng dung nhan của nhà sư trong một nghi thức diễn ra mỗi năm một lần.

Luang Phoo là một cách gọi trìu mến có nghĩa là “ông nội/ ngoại”, nhưng đây không phải là một nhà sư bình thường và cũng không phải là một ngày bình thường.

Tôn giả Somchai đang phụ trách buổi hành lễ. Sư Somchai đang chỉ đạo các nhà sư huynh đệ nhấc xác của hòa thượng Luang Phoo. Họ kéo những cái ghế gỗ nặng nề, chúng rung và lắc lư liên hồi. Đột nhiên, trong một thao tác hoàn hảo, mỗi nhà sư chìa vai mình để đỡ lấy nhục thân của hòa thượng tôn kính.

Những đứa bé được cha mẹ giấu đi không cho nhìn thấy cảnh đó. Những người chứng kiến liền ngay tức khắc đặt tay họ theo một tư thế “wai” – cách chào truyền thống bày tỏ sự kính trọng tột bậc của người Thái Lan.

Với người dân địa phương thì đây không phải là một phép lạ, mà chỉ đơn giản nó là ngày phi thường nhất trong năm của họ. Được hỗ trợ bởi các đệ tử, hòa thượng Luang Phoo tròn 101 tuổi đứng bất động trước đông đảo tín đồ Phật tử. Thực ra Luang Phoo đã viên tịch cách đây 13 năm. Chùa Krang Chu Si Charoensuk nằm gần Singburi, một thị trấn nằm ở miền Trung đất nước Thái Lan, cách thủ đô Bangkok độ 2 tiếng lái xe về phía Bắc.

Mặc dù nằm gần thủ đô phồn hoa đô hội, nhưng các bản làng và chùa chiền ở miền Trung Thái Lan lại hầu như không mấy thay đổi trong hàng trăm năm qua. Đức tin và niềm tin mê tín vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ ở những khu vực này.

Do đó cũng không hề ngạc nhiên khi một trong những nghi lễ Phật giáo kỳ lạ nhất Thái Lan đã diễn ra ngay trong khuôn viên chùa Krang Chu Si Charoensuk hầu như mỗi năm, khi cộng đồng địa phương tổ chức mừng sinh nhật hòa thượng quá cố của họ.

Tôn giả Somchai đã rời chùa mình tu hành ở Ko Phangan (miền Nam Thái Lan) để tới tham dự sự kiện độc đáo này. Tôn giả Somchai đã chịu sự giáo dục của hòa thượng Luang Phoo và nhà sư mang ơn sư phụ mình rất nhiều.

Thập niên 1980, khi hòa thượng Luang Phoo còn tại vị, chùa Krang Chu Si Charoensuk rất giàu có. Hơn 100 nhà sư đã sống trong chùa và thiền định ở đây. Tới năm 1994, hòa thượng Luang Phoo viên tịch. Kể từ đó chùa rơi vào suy tàn. Tín đồ ngừng viếng thăm, cúng dường. Thật khó để tưởng tượng cảnh các đám đông khổng lồ ở chùa Krang Chu Si Charoensuk.

Khuôn viên chùa cũ kỹ, và các nhà tăng bằng gỗ đang chậm dần mục nát. Một bầu không khí yên lặng đến rợn người ở nơi này. Ít người mới đến nơi này để làm nhẹ bầu không khí, chỉ còn 10 nhà sư còn tu hành và đều ở tuổi trung niên.

Những bà già sống ở các làng xung quanh chùa là những người bảo vệ cuối cùng cho thân xác hòa thượng Luang Phoo. Thế hệ trẻ ít màng tới sự sống chết ở chùa. Nhìn chung, Phật giáo ở Thái Lan đang trong thời buổi hết sức khó khăn. Những người trẻ giờ đây đang đổ xô vào các đô thị lớn để theo đuổi tiền bạc và danh vọng.

Thay đổi để tồn tại

Văn hóa “trung tâm thương mại” kiểu Mỹ đang ăn sâu vào tâm lý tiêu dùng của người dân vương quốc Chùa Vàng. Chủ nghĩa gia đình trị đã thấm vào hầu hết mọi giao dịch và quyết định chính trị.

Chủ nghĩa tư bản tự do trong vòng 10 năm qua đã tác động sâu sắc đến Phật giáo và các giá trị mà nó kế thừa. Ngày hôm nay, nhiều ngôi chùa ở Thái Lan không còn là những trung tâm cộng đồng mà đã là các doanh nghiệp chuyên bán bùa may và các loại hàng hóa tôn giáo khác.

Một số chùa Thái chỉ thuần phục vụ cho người siêu giàu, số khác dự báo kết quả sổ xố cho người nghèo tìm vận may. Vài ngôi chùa còn làm dịch vụ cung cấp hình xăm ma thuật với lời đồn rằng chúng có thể chống đạn bắn và tiêu trừ ma quỷ.

Đồng nghĩa, thay vì chuyên tâm ở chùa tu hành, các nhà sư hôm nay phải ra ngoài đường để kiếm ăn. Các nhà sư hôm nay cũng rất rành rẽ xài điện thoại thông minh bên trong các trung tâm mua sắm, hay đeo vòng vàng tại các cửa hiệu kim hoàn Trung Quốc.

Thỉnh thoảng báo giới Thái Lan lại đăng tin một số nhà sư “mua dâm”, chui vô các quán rượu hay làm việc phạm pháp. Và nghi lễ tại chùa Wat Krang Chu Si Charoensuk có lẽ là sự hồi sinh các truyền thống cũ. Sinh năm 1894 tại Lopburi và xuất gia vào năm 1922, sư Luang Phoo đã tu hành tại nhiều chùa chiền, sống sót qua các cuộc xung đột nội chiến, các chế độ độc tài và đảo chính quân sự.

Thần thái an nhiên tự tại của nhà sư đã thu hút đông đảo tín đồ tới chùa. Dưới sự thuyết pháp của hòa thượng Luang Phoo, đời sống nhân dân trong vùng được phồn thịnh.

Trong chùa có các hình ảnh đồ họa nhằm giáo huấn các sư sãi rằng mọi người đều có nội tâm như nhau. Tôn giả Somchai nhớ lại quá khứ với vẻ đầy tự hào: “Sân chùa luôn được quét dọn sạch sẽ. Mọi nhà tăng đều được bảo dưỡng cẩn thận”. Hôm nay, nhục thân của hòa thượng Luang Phoo được đặt trong một cái quan tài bằng kính ngay tại đại điện của chùa.

Thật kỳ diệu, xác nhà sư không bị phân hủy. Thật ra vị hòa thượng đã tự ướp xác cho mình, sư Luang Phoo tự để cơ thể khô ngay trên giường mình nằm. Xuất phát từ đức tin rằng một vị sư không bị phân hủy sẽ được kính trọng và tôn thờ.

Giới chức địa phương vẫn đang tranh cãi không ngớt rằng có nên hỏa thiêu hài cốt các vị sư hay chỉ đơn giản bảo quản xác trong các quan tài kính, như trường hợp ở chùa Krang Chu Si Charoensuk. Khi nhục thân hòa thượng Luang Phoo được để trước đám đông, hết thảy đều nhoài người tới để bày tỏ lòng tôn kính.

Ánh sáng máy ảnh lóe lên khi các nhà sư cởi bộ áo cũ mặc trên nhục thân, và khoác chiếc áo choàng màu cam mới lên người. Một cái mũ len được đội lên đầu. Chiếc mũ thứ hai chụp lên cái mũ trước. Các nhà sư cũng đổi tất chân mới cho sư phụ của họ. Chánh điện tràn ngập tiếng cười vui.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/thai-lan-bi-an-bat-hoai-cua-thi-hai-hoa-thuong-101-tuoi-553638/