Bí ẩn bức tượng đầu người Olmec đồ sộ ở Việt Nam
Đại sứ Đại sứ Mexico tại Việt Nam Alejandro Negrín đã xúc động tột độ khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng đầu người Olmec cao hơn 2m tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đến nay vẫn chưa biết được vì sao bức tượng lại có mặt ở Việt Nam.
Vừa đến Việt Nam vào tháng 1/2022, thông qua ông Vũ Minh Anh, Lãnh sự Danh dự của Mexico tại TP.HCM, tôi biết đến sự tồn tại của một bản sao khổng lồ của một tác phẩm, có vẻ như có nguồn gốc từ Mexico, được đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.
Một thời gian ngắn sau, ngày 20/5/2022, tôi đã đến thăm thành phố xinh đẹp này, nơi có dân số đông nhất với 12 triệu người và cũng là đầu tàu phát triển kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam. Hoạt động đầu tiên của tôi là đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và đích thân chiêm ngưỡng tác phẩm kể trên.
Tôi tiến lên tầng thượng của Bảo tàng và ở đó, với sự xúc động tột độ, tôi đứng trước một bản sao khổng lồ, cao hơn 2m, của một trong những bức tượng đầu người Olmec nổi tiếng, đại diện cho nền văn hóa lâu đời nhất trên lục địa Châu Mỹ và được coi là biểu tượng cho nền văn hóa Mexico. Cho đến nay, chúng tôi đã khai quật được 17 bức tượng đầu người Olmec tại Mexico, với niên đại hơn 3.000 năm.
Dự án “Tôn vinh bản sao tượng đầu người Olmec đặt tại Việt Nam”
Bản sao đặt tại TP.HCM tương ứng với bức tượng có tên gọi Nhà Vua, do có dáng vẻ uy nghiêm. Bản gốc của bức tượng này được phát hiện vào năm 1946 và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nhân chủng học của thành phố Xalapa (Veracruz, México). Tác phẩm còn được biết đến với tên gọi Tượng đầu người khổng lồ Số 1. Trong phần miêu tả tác phẩm “Nhà Vua” tại Bảo tàng này, có nói như sau:
“Tính biểu tượng của chiếc mũ đội đầu, nơi chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh lòng bàn chân đảo ngược của báo đốm với hình tròn, có thể liên tưởng đến chalchihuitl, viên đá màu xanh lá tượng trưng cho nước và sự quý giá. Các đặc điểm dân tộc của vùng Trung Mỹ như mũi rộng, môi dày và mắt xếch cũng dễ dàng được nhận thấy; cũng như các đặc điểm thẩm mỹ theo quy chuẩn về cái đẹp thời bấy giờ: mắt lé, hộp sọ méo và bịt tai”.
Quan sát bản sao tại TP.HCM, dù không phải là một chuyên gia, tôi vẫn cảm thấy xúc động. Với sự cộng tác của chính quyền Việt Nam và Mexico, chúng tôi bắt đầu dự án “Tôn vinh bản sao tượng đầu người Olmec đặt tại Việt Nam”.
Từ đâu tượng đầu người Olmec đến được Việt Nam?
Đầu tiên, dự án xác định nguồn gốc và giá trị của bản sao. Theo yêu cầu của Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam, Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH) – cơ quan thẩm quyền tối cao về di sản khảo cổ của Mexico - đã đưa ra nhận định: “Bản sao (đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM) được chế tác bởi các chuyên gia…, những người đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về hình dạng và độ hoàn thiện của tượng đầu người Olmec nguyên bản. Có thể cho rằng đây là một tác phẩm được thực hiện rất tốt, dù được đặt ngoài trời trong nhiều năm những vẫn giữ được vẻ đẹp và sự bền bỉ của chất liệu”.
Trong kho lưu trữ của Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam cũng như của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM không có bất kỳ thông tin nào về tác phẩm này.
Từ kết quả của quá trình tìm kiếm, chúng tôi nhận định rằng:
1. Có ít nhất 2 thế hệ bản sao của những bức tượng đầu người Olmec được sản xuất tại Mexico và được trao tặng cho các quốc gia khác nhau.
2. Thế hệ đầu tiên của bản sao tượng đầu người Olmec dường như được chế tác trong giai đoạn 1970-1976. Đây là những tác phẩm làm từ sợi thủy tinh, với nhựa acrylic, đất và bột màu. Những chiếc đầu này được một số Đại sứ Mexico mô tả là làm bằng "đá bảng màu" và là những cấu trúc rỗng có thể dễ dàng di chuyển. Ví dụ, các bản sao của tượng đầu người Olmec thuộc thế hệ này được đặt tại Bảo tàng Quốc gia Addis Abeba, Ethiopia và tại Đại sứ quán Mexico ở Brasilia. Dựa trên các đặc điểm được quan sát, bản sao được tìm thấy ở Việt Nam dường như thuộc thế hệ đầu Olmec này.
3. Thế hệ đầu tượng đầu người Olmec thứ hai, làm bằng đá, từ năm 2003 đến 2004 bởi nghệ sĩ người Veracruz Ignacio Pérez Solano. Một trong những bức tượng đầu người Olmec khổng lồ này đã được tặng cho Chính phủ Nam Phi và được đặt trong một công viên ở Pretoria. Có những bản sao khác thuộc thế hệ này đặt tại khu vườn Torre Girona ở Barcelona và ở quận Vallecas ở Madrid. Một số đặt tại các thành phố khác nhau ở Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.
4. Theo kết quả tìm kiếm trên Internet, có khoảng 15 bản sao tượng khổng lồ được phân bổ trên khắp thế giới, nhưng không có bản sao nào ở Việt Nam!
Đến nay, nguồn gốc của bức tượng đầu người Olmec đồ sộ tại Việt Nam và cách thức nó đến được đây vẫn còn là một bí ẩn.
Minh chứng của tình hữu nghị
Tại TP.HCM, có người nói với tôi rằng, cách đây vài chục năm, bức tượng đã nằm giữa một đại lộ nổi tiếng của thành phố, trước khi được đưa vào Bảo tàng. Một cán bộ của Bộ Ngoại giao Mexico khác, từng công tác tại Việt Nam, nói với tôi rằng đã nhìn thấy bức tượng được trưng bày ở sân ngoài của Bảo tàng vào năm 2013 và thậm chí còn gửi ảnh cho tôi. Sau đó, không rõ thời điểm nào, tác phẩm được di dời lên sân thượng của Bảo tàng.
Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã hào phóng đáp ứng yêu cầu của Đại sứ quán về việc tôn vinh tác phẩm bằng cách chọn một địa điểm mới có mái che trong Bảo tàng để trưng bày và thiết kế một khu vực trưng bày riêng. Bộ Du lịch Mexico đã cung cấp những bức ảnh gốc từ bang Veracruz, Mexico minh họa khu rừng nhiệt đới nơi mà tác phẩm gốc được phát hiện. Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia (INAH) đã cung cấp những bức ảnh về việc nhà dân tộc và khảo cổ học Matthew Stirling phát hiện ra mẫu vật bức tượng Olmec này vào năm 1946. Ngoài ra, Bảo tàng Nhân chủng học Xalapa, Đại học Veracruz đã cung cấp những bức ảnh về tác phẩm gốc Nhà vua hay Tượng đầu người khổng lồ Số 1.
Đến nay, có hai tác phẩm nghệ thuật của Mexico được đặt tại Việt Nam. Thứ nhất là tác phẩm Totem City Stories của nhà điêu khắc nổi tiếng Paloma Torres, trao tặng thành phố Đà Nẵng năm 2017. Thứ hai là bản sao Tượng đầu người Olmec khổng lồ Nhà vua hay Tượng đầu người khổng lồ số 1 hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Và điều đó đã trở thành một minh chứng nữa cho tình hữu nghị phi thường giữa hai quốc gia chúng ta.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bi-an-buc-tuong-dau-nguoi-olmec-do-so-o-viet-nam-post1053419.vov