Bí ẩn chưa lời giải vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 10/2018 đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều câu hỏi về vụ án này vẫn chưa có lời giải đáp.
Ngày 2/10/2018, nhà báo Khashoggi, cây bút bình luận của tờ The Washington Post và là người có quan điểm chỉ trích các chính sách của chính quyền Saudi Arabia, "mất tích" sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DE.
Riyadh ban đầu nói rằng họ không hay biết về số phận của nhà báo mất tích Khashoggi. Tuy nhiên, đến ngày 20/10/2018, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc "ẩu đả" trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul. Ảnh: France24.
Sau vụ việc, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bị tình nghi là người đã ra lệnh “thủ tiêu” nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, phía Riyadh một mực phủ nhận cáo buộc này. Ảnh: BI.
Cho đến nay, thi thể của ông Khashoggi chưa được tìm thấy và đó vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp trong vụ án rúng động này. Ảnh: ABC News.
Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ vào năm ngoái, Cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng "loại" Thái tử Salman ra khỏi diện tình nghi. Ảnh: The Onion.
Ngày 3/1/2019, Saudi Arabia đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử 11 nghi can trong vụ nhà báo Khashoggi. Khi đó, cơ quan công tố nước này đã đề nghị án tử hình đối với 5 trong số 11 bị cáo. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, vụ án chưa dừng lại ở đó. Ngày 19/6/2019 vừa qua, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, bà Agnes Callamard, đã công bố chi tiết bản báo cáo độc lập đầu tiên về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Theo đó, nhà báo Khashoggi đã bị đánh thuốc mê và làm ngạt thở bằng túi nilon. Ảnh: NPR.
Theo báo cáo này, các quan chức cao cấp nhất của Saudi Arabia không chỉ lên kế hoạch sát hại ông Khashoggi mà còn tìm cách che giấu vụ giết người một cách kỹ lưỡng. Báo cáo cho rằng, Thái tử Mohammed bin Salman là người chịu trách nhiệm về vụ việc và cần phải bị điều tra. Ảnh: PBS.
Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây. Một số nước sau đó đưa ra các biện pháp trừng phạt Riyadh. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, bà Callamard cho rằng những biện pháp trừng phạt đang áp dụng với Saudi Arabia là chưa đủ và cần phải có thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Thái tử Salman, trừ phi ông này chứng minh được rằng mình không liên quan đến vụ án. Ảnh: PBS.