Bí ẩn chuyện lập hoàng hậu lạ đời của Đinh Tiên Hoàng
Đinh Tiên Hoàng quyết định chọn một góa phụ chỉ mới sơ giao làm Hoàng Hậu. Vì sao Đinh Tiên Hoàng đi đến quyết định lạ lùng ấy?
Trong lịch sử nước ta, những người được chọn làm Hoàng Hậu nếu không phải là con nhà danh gia vọng tộc thì cũng là tuyệt sắc giai nhân. Nhưng vào năm 970, Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng (968-979) đã bỏ qua thông lệ ấy và quyết định chọn một góa phụ chỉ mới sơ giao làm Hoàng Hậu. Người đàn bà ấy là ai và điều gì đã thúc đẩy Đinh Tiên Hoàng đi đến quyết định trên? Dõi theo diễn biến của thế cuộc lúc bấy giờ, chúng ta có thể làm sáng tỏ sự tình lạ đời này.
Chuyện bắt nguồn từ cuộc đại định của Đinh Tiên Hoàng
Mùa xuân năm 939, sau khi đại phá quân Nam Hán xâm lược trên sông Bạch Đằng, chủ tướng Ngô Quyền chính thức xưng Vương, đó là Tiền Ngô Vương, mở đầu nhà Ngô (939-965) trong lịch sử. Năm 944, Ngô Quyền mất, con trưởng là Ngô Xương Ngập chưa kịp kế vị thì người em vợ Ngô Quyền là Dương Tam Kha đã chiếm lấy ngai vàng, tự xưng Dương Bình Vương. Trước hành động tiếm ngôi của Dương Tam Kha, nhiều quan lại, hào trưởng trong nước tỏ ra bất phục và họ đã ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng, nhưng không phải để lật đổ Dương Tam Kha mà để tự chủ một phương.
Năm 950, con trai thứ hai của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn đã hạ bệ Dương Tam Kha. Sau đó, Ngô Xương Văn rước anh trai Ngô Xương Ngập về triều và cả hai cùng cai trị đất nước. Sử gọi họ là Hậu Ngô Vương. Lúc bấy giờ, các thế lực cát cứ vẫn ngày càng lớn mạnh, vượt khỏi sự kiểm soát của nhà Ngô. Các thế lực ấy đánh giết lẫn nhau, gây nên cảnh loạn lạc, tang thương trên khắp đất nước. Trước tình hình ấy, nhân dân nhiều nơi đã thành lập những đội quân để tự vệ. Cư dân Hoa Lư, châu Đại Hoàng (tỉnh Ninh Bình ngày nay) cũng xây dựng đội quân riêng và suy tôn Đinh Bộ Lĩnh làm thủ lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh đã giữ vững sự yên bình của Hoa Lư và từ Hoa Lư, ông đã lãnh đạo các nghĩa binh mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra xung quanh.
Năm 965, Ngô Xương Văn tử trận trong khi dẹp loạn. Ngô Xương Ngập thì đã chết từ lâu. Người thừa kế ngai vị nhà Ngô là Ngô Xương Xí (con trai Ngô Xương Ngập), do thế lực yếu ớt lại bị bọn quyền thần tranh ngôi nên phải đem thân thuộc chạy vào tận Bình Kiều (Thanh Hóa nay). Chính quyền trung ương không còn, các thế lực cát cứ được thể nhao nhao xưng hùng xưng bá và đem quân xâu xé lẫn nhau. Lúc ấy có 12 thế lực mạnh nhất, sử gọi họ là Thập nhị sứ quân. Trong Thập nhị sứ quân, ngoại trừ Ngô Xương Xí đã chạy vào tận Bình Kiều, dòng dõi nhà Ngô còn một người là Ngô Nhật Khánh (cháu họ Ngô Quyền) vẫn bám trụ vùng Đường Lâm (quê hương nhà Ngô, nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ngô Nhật Khánh tuy không phải là sứ quân có thế lực mạnh nhất nhưng lại là người có tham vọng nhất. Các sứ quân khác chỉ dám tự xưng tước Công, riêng Ngô Nhật Khánh xưng là An Vương, ý đồ kế thừa nhà Ngô rất rõ ràng.
Loạn 12 sứ quân đã khiến đất nước phân li, dân tình khốn khổ. Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải chấm dứt cục diện ấy, khôi phục nền thống nhất. Bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng ra giải quyết yêu cầu ấy. Kết hợp bao vây chiêu hàng với tấn công tiêu diệt, trong vòng 3 năm (965-968), Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành cuộc đại định. Đầu năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, chọn Hoa Lư làm kinh đô và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.
Đinh Tiên Hoàng quyết tâm xây dựng lại đất nước. Để ổn định nhân tâm và tăng cường sức mạnh của triều đình, Đinh Tiên Hoàng thấy trước tiên cần giải quyết thật ổn thỏa những sứ quân đã quy hàng, phải triệt để loại bỏ vây cánh của họ và khiến họ gắn bó với tân triều. Trong những sứ quân chịu hàng phục có Ngô Nhật Khánh, nhưng người này không hàng phục từ đầu như sứ quân Phạm Bạch Hổ, mà đã tận lực chống trả đến khi tàn lực mới chịu quy thuận. Bởi thế, tham vọng và dã tâm của Ngô Nhật Khánh nhất thời chưa thể bị dập tắt. Nhưng Đinh Tiên Hoàng không thể giết chết Ngô Nhật Khánh. Nếu làm thế chẳng khác nào tự đẩy các sứ quân quy thuận khác về phía chống lại triều đình. Cho nên, ngoài ban quan tước hậu hĩnh, Đinh Tiên Hoàng suy tính cần có biện pháp phi thường khác để ràng buộc Ngô Nhật Khánh nhiều hơn. Nhưng phải ràng buộc như thế nào để xua tan nỗi oán hờn của con người này?
Một cuộc hôn nhân chính trị
Đinh Tiên Hoàng tìm hiểu gia đình của Ngô Nhật Khánh và hay rằng, cha Ngô Nhật Khánh đã mất từ lâu, trong nhà chỉ còn người mẹ và em gái Nhật Khánh. Ngô Nhật Khánh thì chưa lập gia thất. Vừa hay, Đinh Tiên Hoàng còn một cô công chúa chưa gả chồng. Suy đi tính lại, Đinh Tiên Hoàng đã quyết định gả con gái cho Nhật Khánh. Và không chỉ vậy, vị Hoàng Đế khai quốc này còn dùng mối hôn nhân nhiều tầng để kết mối thân tình với Ngô Nhật Khánh.
Mối hôn nhân nhiều tầng ấy thế nào? Đinh Tiên Hoàng gả con gái cho Nhật Khánh, rồi lại cưới em gái Nhật Khánh cho con trai ông. Bản thân Đinh Tiên Hoàng cũng bất chấp thể diện để thành hôn với Ngô Phu Nhân (mẹ Ngô Nhật Khánh) và tiến phong bà này làm Hoàng Hậu thứ 5 của ông.
Vị Ngô Phu Nhân này là con dâu nhà Ngô, nhưng là phu nhân của ai thì chúng ta không thể biết. Sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam ghi rằng bà là vợ của Ngô Xương Văn nhưng không đưa ra được căn cứ cụ thể. Tài liệu này còn cho rằng sau khi trở thành Hoàng Hậu, Ngô Phu Nhân đã hạ sinh cho Đinh Tiên Hoàng Hoàng Tử thứ ba là Đinh Hạng Lang. Nhưng đó cũng là nói không chứng cứ. Tóm lại, đến nay, danh tính, thân thế và hành trạng cụ thể của vị phu nhân này, chúng ta đều không hay biết, ngay như tên hiệu của bà sau khi được phong Hoàng Hậu cũng chưa được xác định. Chúng ta chỉ biết bà là thân mẫu Ngô Nhật Khánh và là một nhân vật trong cuộc hôn nhân chính trị do Đinh Tiên Hoàng sắp đặt vào đầu năm 970.
Thông qua mối hôn nhân chằng chịt với gia đình Ngô Nhật Khánh, Đinh Tiên Hoàng hi vọng Ngô Nhật Khánh sẽ một lòng một dạ với nhà Đinh. Cầu được ước thấy, Đinh Tiên Hoàng hoàn toàn yên tâm khi thấy Ngô Nhật Khánh cúc cung tận tụy với ông. Nhưng người sáng lập nhà Đinh không thể ngờ rằng, khi ông vừa nằm xuống, đứa con rể ấy đã lộ nguyên hình là một kẻ đầy dã tâm, mưu toan mượn tay vua Chăm để lật đổ cơ nghiệp của cha vợ. Cũng may cơn bão biển đã nhấn chìm Ngô Nhật Khánh cùng những toan tính của hắn.
Sau biến cố đau lòng trên, Ngô phu nhân chẳng còn lòng dạ nào ở lại hoàng cung nữa. Dã sử cho hay, bà đã rời bỏ cung cấm tráng lệ để quy y đạo Phật và sống đến hết đời trong chùa Bà Ngô thuộc kinh đô Hoa Lư.