Bí ẩn cô gái thắt cổ tự vẫn dưới bức tranh khoái lạc
Cô gái quê Hà Hoa bị bán vào lầu xanh phục vụ khách Tây, quyết giữ lòng trung trinh của mình bằng cách thắt cổ tự tử dưới những bức tranh khoái lạc 'Thập bát mô'.
Chuyện tình trong cung Nguyễn (NXB Thuận Hóa) là tuyển tập năm truyện ngắn của nhà văn nữ Trần Thùy Mai. Nhân vật trong truyện là công chúa, quý phi, gái giang hồ… thời Nguyễn, trong và ngoài hoàng cung vàng son của triều đại phong kiến cuối cùng này.
Chuyện về những người đàn bà, trong đó có một người ở rất xa là Ando Chie, người vợ Nhật Bản không chính thức của Hoàng thân Cường Để. Văn chương Việt Nam từ xưa đến nay được nhiều người đánh giá mang nặng tính nữ, chất chứa nhiều dịu dàng và tinh tế, ai oán và sầu thương. Truyện của Trần Thùy Mai cũng vậy.
Một đêm ở thành Phú Xuân là câu chuyện về người con gái lầu xanh trong Khán Xuân phường - tửu điếm bậc nhất kinh thành Huế, nơi đàm phán những thương vụ của thương gia phương Tây với quan chức Đàng Trong. Cô gái quê Hà Hoa bị bán vào lầu xanh phục vụ khách Tây, quyết giữ lòng trung trinh của mình bằng cách thắt cổ tự tử dưới những bức tranh khoái lạc Thập bát mô.
Nàng công chúa té giếng lại kể chuyện đời của Ngọc Bình, cô công chúa nhà Lê, từng làm vợ hai vua là Quang Toản (con Quang Trung) và Gia Long (Nguyễn Ánh). Qua chuyện khuê phòng, hoàng đế Gia Long lấy vợ người sau khi phanh thây chồng, đã khoái trá tâm đắc sau những năm dài bôn tẩu, bị quân Tây Sơn quật mồ tiên tổ.
‘‘Sự sung sướng khi quật mồ kẻ thù (Tây Sơn) chỉ có một lần. Còn Ngọc Bình (vợ Quang Toản) là một ngôi mộ sống có thể quật lên bao nhiêu lần cũng được. Những đêm ở bên nàng, vua tận hưởng niềm sướng thỏa của mình, ngài cố ý kéo dài nó, lần này sang lần khác".
Đó là chuyện những người đàn ông, còn Tống Hoàng hậu thì “xót xa nhớ lại những điêu linh, tan tác, oán thù trong nửa thế kỷ”, thương xót Ngọc Bình, thương cô công chúa nhỏ bị động kinh, thương những đứa con mình đã mất trong cuộc chiến.
Gia Long còn là nhân vật chính trong Thần nữ đi chân không - một vị vua thâm trầm mưu lược, vừa muốn tỏ ra là người trọng ân nghĩa nhưng không quên tính toán làm rạng danh công đức của mình nên đã rước cố nhân, một người đàn bà nơi thôn dã vào cung. Sau một đêm ân ái, khi nhận ra da thịt nõn mướt như lụa của nàng Tấm bên bụi bờ chinh chiến mười năm trước nay không còn mát rượi như xưa, thì nhà vua hụt hẫng và không trở lại phòng nàng.
Hai nhân vật nữ nữa trong tập truyện là Thể Cúc - con gái yêu của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, sau bị điên vì chồng là Đoàn Trưng cầm đầu khởi nghĩa Chày Vôi bị xử tử và “dâm nữ” Tống thị - người đẹp được Chúa thượng Nguyễn Phúc Lan sủng ái sau cũng chịu số phận bi thảm vì những toan tính mộng bá vương trên bàn cờ chính trị của những người đàn ông từng mê say nàng.
Và một người đàn bà của Kỳ ngoại hầu Cường Để, Ando Chie, đã chăm sóc cho ông trong những năm dài tha hương ở Nhật khi phong trào Đông Du thất bại, với tấm lòng và hơi ấm của một người đàn bà Á đông. Nỗi đau đàn bà của Ando ngấm vào da thịt: ‘‘Người con trai cả của Cường Để đỡ lấy bình tro di cốt của cha. Mặt ông đầy nước mắt. Ông ngạc nhiên thấy người đàn bà này vẫn bình thản, nét mặt trang nghiêm dịu dàng chỉ hơi phảng phất buồn. Nhưng người con trai thứ hai đứng cách đó vài bước thấy rất rõ đôi bàn tay Chie sau khi trao bình tro. Đôi bàn tay ấy bấu chặt vào nhau, những móng tay quắp vào da thịt". (Nơi có những cây tùng xanh biếc).
Không gian trầm mặc mà nên thơ của Huế phủ lên các truyện một sắc màu vàng son bảng lảng xưa cũ không nơi nào có được. Trả lời phỏng vấn, Trần Thùy Mai từng nói: “Trong vườn văn, tôi dọn khu vườn nhỏ của riêng tôi, để chờ người tri âm đến, không muốn vội vã theo dòng”. Thường đi vào đề tài tình yêu và lịch sử, văn Trần Thùy Mai không mới, không cách tân, nhưng trau chuốt và đẹp, luôn giữ được sự tĩnh lặng, trong veo, nữ tính và do đó, nhiều khi rất buồn. Như xứ Huế.