Bí ẩn của bóng đá Saudi Arabia
Saudi Arabia là một trong những quốc gia châu Á tham dự nhiều kỳ World Cup nhất lịch sử, nhưng cầu thủ ở nước ngoài gần như không để lại dấu ấn.
Không nhiều cổ động viên (CĐV) bóng đá biết điều này: Một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup đến từ cầu thủ châu Á.
Đó không phải bất kỳ pha lập công nào trong hành trình thành đệ tứ anh hào thế giới của Hàn Quốc tại World Cup 2002, hay những lần lưới rung từ chấm đá phạt bởi đôi chân của các ngôi sao Nhật Bản.
Pha lập công mãn nhãn ấy tới tại World Cup 1994 với chủ nhân là Saeed Al-Owairan của Saudi Arabia trong chiến thắng 1-0 trước tuyển Bỉ của Enzo Scifo, Michel Preud'homme.
Saudi Arabia từng rất mạnh
Nhận bóng từ phần sân nhà, Al-Owairan dốc bóng 70 m, vượt qua 4 cầu thủ của Bỉ trước khi sút tung lưới thủ môn hay nhất World Cup năm đó. Saudi Arabia thắng trận và đường hoàng tiến vào vòng knock-out World Cup trên đất Mỹ với ngôi nhì bảng, chỉ kém Hà Lan vì thành tích đối đầu.
Saudi Arabia hùng mạnh ngày đó của Al-Owairan sau cùng chỉ gục ngã trước đội giành huy chương đồng năm đó là Thụy Điển ở vòng 1/8. Al-Owairan nhận giải "Cầu thủ hay nhất châu Á" năm 1994.
Vinh dự ở đấu trường World Cup là thế, nhưng sự nghiệp ở cấp độ của Al-Owairan chỉ gói gọn ở Saudi Arabia. Huyền thoại sinh năm 1967 dành cả sự nghiệp thi đấu cho CLB Al-Shabab.
Đây cũng là mẫu số chung của những cầu thủ sinh ra tại quốc gia này. Số mệnh buộc họ phải chơi bóng trong nước. Hình tượng Kazu Miura của Nhật Bản phiêu lưu chơi bóng từ Brazil tới Italy, Croatia trước khi quay về quê hương còn hơn cả giấc mơ với các cầu thủ Saudi Arabia.
Al-Owairan sau khi tỏa sáng tại World Cup 1994 nhận được nhiều tín hiệu hỏi mua từ các CLB tại châu Âu. Tuy nhiên, chính sách cấm cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng của Saudi Arabia khiến Al-Owairan mắc kẹt ở Al-Shabab.
Nửa sau sự nghiệp của Al-Owairan là câu chuyện buồn. Anh say rượu lái xe, bị phạt ngồi tù 6 tháng và giải nghệ vào năm 2001 khi 34 tuổi.
Bộ luật hà khắc này sau đó bị gỡ bỏ vào năm 1998, nhưng mọi chuyện không thay đổi. Các cầu thủ Saudi Arabia vẫn chơi bóng trong nước mà không thể ra nước ngoài.
Samir Al-Jaber từng tới Anh chơi bóng cho Wolverhampton vào mùa giải 2000/01. Đội bóng Anh ấn tượng với tài năng của tiền đạo này, nhưng CLB chủ quản Al-Hilal ngăn cản thương vụ trở thành hiện thực. Al-Jaber sau đó ở lại thi đấu cho Al-Hilal đến khi giải nghệ.
Tại World Cup 2002, Saudi Arabia bị loại từ vòng bảng, không ghi được bàn nào. Trận thảm bại 0-8 trước Đức là một trong những trận thua đậm nhất lịch sử cúp thế giới. Truyền thông Saudi Arabia vui mừng vì kết quả này khi các cầu thủ không phải nhận chú ý từ châu Âu.
"Tại sao không ai biết điều đó?"
Samir Al-Jaber, ngôi sao nổi tiếng nhất của bóng đá Saudi Arabia, bức xúc nói với Guardian sau World Cup 2002:
"Các CLB không muốn cầu thủ được hưởng những gì họ xứng đáng. Nếu Saudi Arabia muốn có các cầu thủ tốt trong tương lai, họ phải để chúng tôi ra đi".
Chân sút sinh năm 1972 cũng nhấn mạnh chính sách hà khắc này còn tồn tại trên cả truyền thông. "Các tờ báo Saudi Arabia không đưa tin đúng tài năng của chúng tôi. Khi tôi ở Anh, tất cả cứ hỏi cuộc sống ở Saudi Arabia như thế nào. Chúng tôi có những cầu thủ giỏi, có giải đấu tốt, nhưng tại sao không ai biết điều đó?".
19 năm sau những bức xúc của Al-Jaber, mọi chuyện vẫn không thay đổi. Saudi Arabia vẫn giàu. Giải vô địch quốc gia nước này vẫn đứng nhất nhì châu Á. Các CLB Saudi Arabia thường xuyên vô địch hoặc ít nhất là vào sâu tại AFC Champions League. Song những cầu thủ Saudi Arabia vẫn không ra nước ngoài thi đấu.
Tư tưởng cấm đoán dù được gỡ bỏ cách đây 23 năm đã ăn sâu vào tâm trí các CLB Saudi Arabia.
Thay vào đó, các CLB Saudi Arabia chi tiền để đưa những ngôi sao ngoại quốc tới thi đấu tại đây. Matheus Perreira là trường hợp tiêu biểu. Cầu thủ người Brazil sau khi thi đấu chói sáng trong màu áo West Brom đã tới Al Hilal chơi bóng với giá 20 triệu euro. Paulinho, Ever Banega, Vincent Aboubakar là những ngôi sao khác tới thi đấu tại đây.
Trước kia, giải VĐQG Saudi Arabia (SPL) chỉ đứng nhì tại châu Á, sau CSL của Trung Quốc. Song sau khi CSL sụp đổ vì thói quen chi tiêu bạt mạng của những CLB, SPL đang vươn lên. Điều quan trọng là SPL có nền tảng hơn hẳn CSL khi các cầu thủ nội sở hữu chất lượng cao.
Tư tưởng cấm cầu thủ ra nước ngoài của Saudi Arabia khiến cầu thủ nước này chỉ là con số 0 tại châu Âu, nhưng biến đội tuyển quốc gia nước này thành người khổng lồ trong bóng tối.
Hàn Quốc có Son Heung-min, Nhật Bản có Takumi Minamino, Iran có Sadar Azmoun. Để tìm ra ngôi sao như thế của Saudi Arabia là câu chuyện không đơn giản. Không phải đội tuyển này không có, mà sự thiếu hụt thông tin sẽ cản trở những đối thủ của Saudi Arabia trong việc thăm dò và định nghĩa sức mạnh của họ.
Đối thủ của Saudi Arabia ở trận đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo, buộc phải hiểu điều này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-an-cua-bong-da-saudi-arabia-post1257505.html