Bí ẩn điệp viên duy nhất được chôn ở nhà thờ Thánh Paul
Thomas Edward Lawrence được xem là điệp viên vĩ đại suốt thời kỳ trong và sau Thế chiến 1. Ông cũng là điệp viên duy nhất sau khi chết được mai táng tại Nhà thờ Thánh Paul, London, Anh.
Sinh ra tại miền bắc xứ Wales, sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford chuyên ngành khảo cổ học, Thomas Edward Lawrence (1888-1935) làm việc trong “nhóm nghiên cứu khoa học khảo cổ” – thực chất là tổ điệp báo của Cơ quan Tình báo Anh (MI-6) tại Trung Đông để chuẩn bị cho nước Anh tham gia chiến tranh thế giới. Khi chiến tranh bùng nổ, bộ phận này trở thành trung tâm điều phối các hoạt động của MI-6 tại cả khu vực Trung Đông-Ảrập.
Lawrence rất thông thạo phong tục tập quán phương Đông, hiểu biết sâu sắc về thế giới Ảrập cũng như chính người Ảrập. Do vậy, ông ta có trong tay mạng lưới điệp viên rộng rãi và được tổ chức rất tốt tại những vùng đất Ảrập bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Ông được liệt vào hàng cận thần của vua Hussein thuộc dòng họ Saud và là cánh tay phải của con trai ông ta – hoàng tử Emir Faisal, những lãnh chúa thật sự của thế giới Ảrập lúc bấy giờ. Những người Ảrập tỏ ra rất trung thành với Lawrence, bởi ông ta biết chiếm lòng tin ở các thủ lĩnh, biết mua chuộc các tù trưởng một cách hào phóng, biết cách liều mạng nhưng luôn tỉnh táo và không bao giờ phạm sai lầm.
Kết quả là Lawrence đã góp phần thực hiện được chính sách thực dân của đế quốc Anh là biến các vùng đất Ảrập thành thuộc địa của mình. Sau khi chiến tranh kết thúc, dưới chiêu bài quyền ủy trị của Hội Quốc liên, người Anh đã bố trí để Faisal trở thành Quốc vương Iraq, còn người em trai Apdula của ông ta lên ngôi ở Jordan, biến xứ sở này thành sân sau cho nước Anh với những cơ sở dầu lửa. Tóm lại, Lawrence đã giúp củng cố vững chắc vị thế của nước Anh tại Trung Đông.
Cũng vào thời gian này, Afghanistan dưới quyền trị vì của Tiểu vương Amanullah đang tiến hành những cải cách dân chủ không được lòng London. Người Anh quyết định bằng mọi cách phá vỡ những kế hoạch của Amanullah, gạt bỏ ông ta khỏi ngai vàng và thay thế bằng một Tiểu vương khác sẵn sàng nghe theo mọi sự sai khiến của các ông chủ thực dân. Thế là, dưới bình phong là một cha cố với cái tên Pie Karam-shah, Lawrence lại khăn gói lên đường đến xứ sở lúc nào cũng hừng hực hơi nóng sắc tộc và tôn giáo này.
Tại đây, bằng những kinh nghiệm và mưu mẹo của nhiều năm hoạt động điệp báo, bằng tiền và thông qua nhiều mối quan hệ, Lawrence đã tiếp cận, làm quen và mua chuộc được Bachaji Sakao, một tướng cướp nổi tiếng tàn bạo đến mức giết cả bố đẻ và vợ, chuyên tổ chức cướp bóc trên các con đường núi vùng Peshawar. Lawrence đánh bài ngửa với Sakao rằng, nếu Sakao giúp loại bỏ được Quốc vương Amanullah thì Pie (Lawrence) đảm bảo ngôi báu sẽ được chuyển giao cho y.
Được sự cố vấn của Lawrence, Sakao đã vạch ra và thực hiện một chiến dịch kích động nhằm vào các cải cách đang được tiến hành trong nước, đặc biệt đánh vào các biện pháp chưa thực sự được lòng dân của vua Amanullah: “Nhà vua bắt chúng ta phải đội mũ ư? Không được! Chúng ta phải đóng khăn như Đấng tiên tri đã ban dạy từ ngàn đời nay. Phụ nữ theo đạo Hồi được quyền bỏ mạng che mặt ư? Không đưọc! Như thế là hạ nhục tất cả mọi tín đồ. Ông ta còn bắt chúng ta chữa bệnh, buộc đàn bà và lũ con gái đi học, và cho rằng đàn ông không nhất thiết phải để râu... Điều này trái với luật lệ Hồi giáo, trái với ý muốn của Thánh Allah. Một người như thế liệu còn đáng để chúng ta tin tưởng ở ngôi cao hay không?..”.
Pie Karam-shah còn cho tán phát khắp nơi những bức ảnh chụp các cô gái, nhìn bề ngoài có vẻ giống các thiếu nữ Afghanistan, đang lõa lồ ngồi trên đùi những người đàn ông để tuyên truyền kích động các phần tử quá khích rằng nhà vua đang làm hủ bại nền văn hóa Hồi giáo. Hành động này như đổ thêm dầu vào lửa, gây nên làn sóng công phẫn khắp đất nước và làm cho tình hình trở nên không thể kiểm soát nổi đối với nhà vua.
Đúng lúc đó, đại tá Lawrence gửi một báo cáo về London: “Nhân danh tất cả các tín đồ Hồi giáo, tôi vừa cho lan truyền một tuyên bố như sau: Theo lệnh Chúa Trời và theo phán truyền của Đấng tiên tri, chúng ta phải phế truất Amanullah khỏi ngôi vua và đồng lòng tôn Emir Basai Sakao làm quốc vương Afghanistan. Thánh Allah sẽ trừng phạt tất cả những ai không tuân theo lệnh Chúa Trời. Chúc mọi sự tốt lành. Pie Karam-shah”.
Câu cuối “Chúc mọi sự tốt lành” là mật khẩu đã được quy định từ trước: Thời cơ đã đến. Ngày hôm sau, nhiều máy bay cất cánh từ các sân bay Anh ở Ấn Độ nhằm thẳng hướng Kabul, quần đảo gây thị uy trên bầu trời Thủ đô Afghanistan. Qua một ngày, tờ Daily Mailor đưa tin chính quyền ở Afghanistan đã rơi vào tay Basai Sakao. Ngay lập tức, cũng theo sự chỉ đạo của Pie Karam-shah, y xua 20 nghìn quân phỉ Bashmakh tiến hành các vụ đánh phá cướp bóc sang vùng Trung Á của Liên Xô. Đó là vào năm 1927.
Tháng 2/1929, Lawrence trở về London. Đúng vào thời gian này, các lực lượng tiến bộ lên tiếng đòi làm rõ những hoạt động mờ ám của Anh ở Afghanistan và yêu cầu Chính phủ ngừng ủng hộ Basai Sakao. Tháng 10/1929, Basai Sakao bị lật đổ và bị xử tử. Đến khi Hồng quân Liên Xô dẹp hết bọn phỉ Bashmakh thì âm mưu của Anh và các nước đế quốc dùng Afghanistan làm bàn đạp chống phá nhà nước Xô-viết cũng tan như bong bóng xà phòng.
Sau sự kiện này, Lawrence quyết định từ bỏ công danh và chuyển sang viết hồi kí về những năm đầy phiêu lưu của mình. Ông ta trằn trọc nhiều đêm dài nhớ lại một thời oanh liệt ở Trung Đông, đau đớn bởi bao công sức bỏ ra đã không mang lại một kết cục như ý. Lịch sử đã đổi chiều. Nhưng tất cả những gì Lawrence đã kịp làm cho nước Anh cũng đủ để xem ông ta là điệp viên xuất sắc nhất thế giới thời kì này.
Thomas Lawrence cũng là điệp viên đầu tiên và duy nhất - tính đến nay, sau khi chết được mai táng tại Nhà thờ Thánh Paul bên cạnh các chính khách, các tướng lĩnh tài ba và các nghệ sĩ vĩ đại của nước Anh.