Bí ẩn giếng cổ trăm năm chưa bao giờ cạn, ngày nghìn người múc vẫn ăm ắp nước
Nằm dưới chân núi Bàn Than, cách bờ biển khoảng 1km, hai giếng cổ tại làng Thuận An được người dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) xem như báu vật.
Trải qua hàng trăm năm, dù hạn hán khốc liệt cỡ nào, hai giếng cổ trên ốc đảo Tam Hải chưa bao giờ cạn nước. Người dân nơi đây ví von 2 giếng cổ như “2 lu nước trời”, là tài sản vô giá, “mạch sống” của hơn 8.000 dân ốc đảo...
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” hai giếng cổ, ông Nguyễn Tấn Chinh (77 tuổi) chia sẻ, đến nay lịch sử và nguồn gốc của hai giếng cổ vẫn là một bí ẩn. Giếng có từ trước khi người dân Tam Hải về đây lập ấp, làng còn chưa được đặt tên.
Theo các thế hệ trước truyền miệng lại, hai ngôi giếng này được xây dựng từ thời Chiêm Thành, cách đây hơn 600 năm. Dấu tích Chăm còn lưu lại ở đây là tấm bia đá nằm cạnh giếng, với những dòng ký hiệu cổ không còn nguyên vẹn.
“Tôi nghe nhiều cụ già bảo giếng ở bãi Bấc và giếng ở bãi Nồm đều được người Hời (Chăm Pa) đào cùng lúc. Nội dung trên bia đá có thể ghi tên các bậc tiền nhân khai khẩn vùng đất này. Nhưng đến giờ bia đá cũng mòn, không còn giữ lại được một ký tự thì đủ biết giếng cổ đến mức nào”, ông Chinh nói.
Theo quan sát, hai giếng cổ có kiến trúc giống nhau, nằm cách nhau khoảng 500m và ngăn cách bởi đồi đất sét. Giếng hình tròn, rộng chừng 2m và sâu hơn 10m. Lòng giếng được xây dựng bằng đá tổ ong lớn, xếp chồng lên nhau rất vững chắc.
Khác với các giếng thông thường, phần đáy giếng cổ hơi nghiêng, được tạo thành từ những khối đá đen và có một hang sâu ăn ngang lòng đất. Nước sâu hun hút, trong vắt.
Hạn hán cỡ nào cũng không cạn
“Các cụ bô lão kể, năm 1964, thấy nước giếng cổ ngọt ngon, lính Mỹ đã bắt chước đào thêm giếng cạnh đó, nhưng không như mong muốn”, ông Chinh hào hứng.
Giờ đây, hầu hết các gia đình ở Tam Hải đều đã có giếng đào, giếng khoan nhưng đều bị nhiễm phèn, mặn. Thế nên, nước từ hai giếng cổ vẫn là nguồn chủ yếu giúp giải khát cho hơn 8.000 dân ốc đảo.
Dù gia đình có giếng khoan, nhưng bà Trần Thị Hạnh (54 tuổi, trú thôn Tân Lập) cho biết, nhiều năm nay, bà sử dụng nguồn nước từ giếng cổ để uống và nấu rượu bán…
“Ngày nào tôi cũng chạy xe đến đây chở nước về uống vì các giếng khác trên đảo đều có vị lợ, mùi phèn. Riêng hai giếng cổ suốt bốn mùa nước trong veo và có vị ngọt thanh, mát lành khó lý giải.
Nước có thể dùng trực tiếp chứ không cần qua bộ phận lọc nào cả. Nước dùng pha trà uống rất ngon...”, bà Hạnh hào hứng.
Kỳ diệu là vào mùa khô thì tất cả giếng đào, giếng khoan tại Tam Hải đều cạn trơ đáy. Nhưng riêng hai giếng cổ vẫn ăm ắp nước, dù mỗi ngày có cả ngàn lượt người đổ xô đến múc.
Gắn bó với mảnh đất này gần 60 năm, ông Nguyễn Văn Chuẩn (59 tuổi) khẳng định chưa bao giờ thấy nước giếng cổ cạn khô.
Nhiều thế kỷ qua, 2 giếng cổ này đã trở thành “bầu sữa” nuôi sống biết bao thế hệ người dân nơi đây. Để quản lý tốt tài sản vô giá này, họ đã tự cắt cử người trông coi giếng và phân phối nguồn nước. Từ năm 1934 đến nay, giếng đã được dân làng Thuận An trùng tu 4 lần.
Theo hương ước, văn hóa của làng, nước của hai giếng chỉ được dùng để nấu ăn, đun lên uống; tuyệt đối không được tắm giặt, vì như thế sẽ làm nguồn nước thiêng bị quấy đục, có tội với người xưa. Phong tục này được người dân nơi đây truyền từ này sang đời khác…