Cách trung tâm xã Vân Sơn gần 4km trên đường đi Làng Son, xã Nam Sơn, du khách sẽ bắt đầu hành trình trên con đường núi đá cổ dưới tán rừng xanh mát. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Chặng đường bộ vắt qua rừng tre, trúc và núi đá khoảng 45 phút trước khi đến động Nam Sơn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Mặc dù được phát hiện từ tháng 1/2004 nhưng đến giờ đây vẫn là điểm đến hoang sơ cùng những bí ẩn chưa được khám phá. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Anh Đinh Văn Phương (xóm Dồ, xã Vân Sơn), người bảo vệ động cho biết hang động Nam Sơn còn gọi động Tớn, nằm ở độ cao gần 1.000 mét trên mặt nước biển, thuộc địa phận xóm Tớn, xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, cách thị xã Hòa Bình khoảng 25 km về phía Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Động nằm trong hệ sinh thái của khu vực rừng đệm vườn Quốc gia Cúc Phương và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn-Ngổ Luông, được công nhận di tích thắng cảnh quốc gia vào năm 2008. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Theo cán bộ địa phương, hang động Nam Sơn đã được hình thành từ rất lâu đời, nhưng do chưa được khai phá và quy hoạch nên nơi đây còn khá xa lạ và bí ẩn với du khách gần xa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Những người dân bản địa cho hay, cửa hang và vòm hang đã được người địa phương biết từ lâu. Song, do bên trong rất tối nên thời gian đầu chưa ai dám đi sâu vào khám phá. Sau này, một tốp người đi làm nương do khát nước đã liều lĩnh rủ nhau soi đèn vào hang tìm nguồn nước và phát hiện một hồ nước rất lớn phía trong. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Các nhà khoa học công nhận động Nam Sơn đẹp và hấp dẫn nhất trong quần thể các hang động được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn-Ngổ Luông. Động Nam Sơn có chiều dài 455 mét, chia thành 3 ngăn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Cửa động chỉ cao chừng 1 mét nhưng bước chân vào trong là cả một thế giới hoàn toàn khác biệt, mát mẻ và huyền bí.(Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Không chỉ quần tụ hệ thống cột đá, nhũ đá, măng đá, rèm đá đặc sắc, động Nam Sơn còn có nhiều thạch nhũ và sinh vật đặc hữu. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Ông Bùi Thanh Đướng, Phó Chủ tịch xã Vân Sơn cho biết, đánh giá được tiềm năng cảnh quan và ý nghĩa trong quá trình phát triển du lịch Hòa Bình của động Nam Sơn nên từ năm 2004, chính quyền địa phương đã bước đầu có những biện pháp quy hoạch và bảo vệ nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị của hang động này. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Theo ông Đướng, địa phương đã phát hiện nhiều khối nhũ đá đã được hình thành từ nhiều triệu năm, vũng nước khoáng cùng cảnh quan vô cùng đẹp mắt khi đi sâu vào khám phá hang động. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đây là hang động kín nhưng không khí lại thoáng đãng, nhiệt độ trong hang ấm vào mùa Đông và mát vào mùa Hè. Do đó, du khách có thể trải nghiệm và khám phá hang động vào bất cứ mùa nào trong năm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Với quá trình hình thành khoảng 250 triệu năm, nơi đây là quần thể các cột đá, thạch nhũ đá, măng đá, rèm đá… vô cùng độc đáo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Mặc dù đã được xếp hạng di tích quốc gia và đưa vào khai thác du lịch, chính quyền địa phương đã đầu tư tu bổ đường đi bộ vào động và hệ thống điện chiếu sáng bên trong động nhưng do điều kiện ẩm ướt trong lòng hang nên hiện hệ thống chiếu sáng đang bị trục trặc. Du khách vào tham quan phải tự trang bị theo đèn pin. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Mẹ thiên nhiên đã kiến tạo nên những măng nhũ đá nhiều hình thù, chỗ như ruộng bậc thang xếp lớp, chỗ như con voi phục, chỗ giống con chim hạc co chân, chỗ lại giống tượng Phật di lặc… (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Nhũ đá tựa hình dáng tượng Phật di lặc. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Nhũ đá như những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Về tiềm năng phát triển du lịch của động Nam Sơn, ông Bùi Thanh Đướng đánh giá: ‘Do nằm trên vùng đồi núi cao nên hang động còn rất hoang sơ và ít được khai thác. Hiện địa phương đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó hang động Nam Sơn là một trong những thế mạnh địa phương muốn tập trung thu hút khách tham quan.’ (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Thời gian tới, hang động Nam Sơn sẽ tiếp tục được đầu tư, tu tạo và bổ sung thêm tiện ích để phục vụ và thu hút khách đến với huyện Tân Lập, qua đó tạo nên hình ảnh du lịch cộng đồng nhiều màu sắc đa dạng, hấp dẫn cho địa phương. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách thử làm thí nghiệm cho ánh sáng xuyên qua nhũ đá. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đáng ngạc nhiên là dù nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, trong lòng động lại xuất hiện hồ nước xanh ngăn ngắt, rộng tới gần 1.000 m2, nước ăm ắp trong vắt quanh năm và đây là một bí ẩn của động Nam Sơn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đủ loại cột đá, măng đá, đủ hình dáng cao thấp ‘mọc’ lên từ dưới lòng nước vươn mình chạm với những cột đá, măng đá rủ xuống từ nóc hang. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Ngăn trong của hang động giống như cung phòng vô cùng đặc sắc với hồ nước trong xanh, xuyên thấu mọi nhũ đá, măng đá tận đáy hồ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Dù sâu 2-7 mét nhưng nước hồ luôn trong xanh và đầy ắp quanh năm. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Tại ngăn giữa, ngoài vô số cây măng đá lô nhô, rừng thạch nhũ buông xuống từ vách hang, còn ẩn hiện tượng Phật uy nghiêm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đi vào sâu vào trong khoảng 40 mét, đường nước tràn hồ có một điểm ‘thắt cổ chai,’ ở đó thoảng nghe như có tiếng nước chảy, tiếng gió thổi. Có thể nhờ đó mà trong động dù có những lúc rất đông người nhưng không gây cảm giác thiếu ôxy, khó thở. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Có đoạn nhũ đá mọc như bãi san hô, lớp nối lớp; có đoạn giống ruộng bậc thang uốn lượn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Càng vào sâu bên trong không khí càng mát mẻ, lòng hang động tua tủa, nhấp nhô rừng nhũ và 'san hô' mọc tứ phía. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Hang động Nam Sơn đặc biệt hiếm có và bí ẩn nhờ sở hữu cả hai dạng địa hình là hang khô và động nước, là điểm đến được du khách ưa khám phá, trải nghiệm tìm đến. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)