Bí ẩn ICBM nhiên liệu rắn kiểu mới Hwasong-18 của Triều Tiên

Không chỉ có tầm bay lớn, ICBM kiểu mới Hwasong-18 của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn, thời gian triển khai nhanh, trong khi được phóng từ phương tiện phóng di động (TEL), cho phép tên lửa khai hỏa từ các vị trí không thể đoán trước.

Hôm 13/7, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) kiểu mới sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 vào ngày trước đó, là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Hwasongpho-18(hay Hwasong-18) là hệ thống vũ khí cốt lõi của lực lượng chiến lược của nước này.

Trong vụ phóng, tên lửa Hwasong-18 được nói đạt độ cao gần 6.650 km, bay được quãng đường hơn 1.000 km, trong thời gian 4.491 giây (khoảng 74 phút) trước khi đáp chính xác xuống mục tiêu xác định ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên.

Đây được coi là chuyến bay dài nhất của một tên lửa Triều Tiên từng phóng.

Theo các chuyên gia, nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa có thể bay hơn 15.000 km, có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

 Triều Tiên phóng thành công ICBM kiểu mới nhiên liệu rắn Hwasong-18. Nguồn: KCNA.

Triều Tiên phóng thành công ICBM kiểu mới nhiên liệu rắn Hwasong-18. Nguồn: KCNA.

Hwasong-18 là ICBM nhiên liệu rắn đầu tiên do Triều Tiên phát triển. Loại vũ khí này đã được công bố vào ngày 8/2 tại cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên.

Vụ phóng đầu tiên của Hwasong-18 diễn ra vào ngày 13/4. Tên lửa bay về phía Biển Nhật Bản khoảng 1.000 km và rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Hình ảnh và video về cuộc thử nghiệm cho thấy vụ phóng ICBM ba giai đoạn từ bệ phóng di động (TEL), được thiết kế để cho phép tên lửa khai hỏa từ các vị trí không thể đoán trước.

Theo một số ước tính, Hwasong-18 nặng 55-60 tấn. Đánh giá từ các bức ảnh cho rằng, tên lửa dài khoảng 27 m, tầng thứ nhất có đường kính 2,21 m, trong khi các tầng thứ hai và thứ ba có đường kính 1,9 m.

Một số nhà quan sát nói, tên lửa có thể được trang bị một đầu đạn công suất lớn hoặc tối đa 6 đầu đạn thành phần.

Theo các chuyên gia, kích thước giai đoạn đầu của Hwasong-18 phù hợp với kích thước của động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cỡ lớn mà Triều Tiên được cho đã thử nghiệm tĩnh (mặt đất) vào ngày 15/12/2022.

 Các vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên thường được thực hiện ở góc cao. Nguồn: BQP Nhật Bản.

Các vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên thường được thực hiện ở góc cao. Nguồn: BQP Nhật Bản.

Động cơ tên lửa nhiên liệu rắn giúp việc triển khai nhanh hơn và an toàn hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng, vốn phải nạp tại chỗ và cần khoảng thời gian khá dài, cho phép Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân tầm xa nhanh chóng và dễ dàng hơn, cũng khó phát hiện hơn khi phóng.

ICBM nhiên liệu rắn cũng được coi là ổn định hơn.

Chuyên gia Ankit Panda, một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết trong một báo cáo cho NK PRO, cơ quan nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, rằng, điều đáng chú ý là cả hai vụ thử Hwasong-18 của Bình Nhưỡng cho đến nay dường như đều thành công hoàn toàn, mặc dù nước này thiếu kinh nghiệm với các tên lửa nhiên liệu rắn nhiều tầng.

“Làm thế nào Triều Tiên có thể đạt được mức độ thành công đáng ngạc nhiên này với ICBM nhiên liệu rắn vẫn còn là một bí ẩn.”, ông Panda nói.

Vann H. Van Diepen, cựu quan chức hàng đầu về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết, việc phóng tên lửa Hwasong-18 hai lần là một thành tích đáng chú ý cho thấy năng lực của Triều Tiên trong công nghệ nhiên liệu rắn.

 Vụ phóng ICBM Hwasong-18 hôm 12/7 có thời gian bay dài kỷ lục đối với một tên lửa mà Triều Tiên từng phóng. Nguồn: KCNA.

Vụ phóng ICBM Hwasong-18 hôm 12/7 có thời gian bay dài kỷ lục đối với một tên lửa mà Triều Tiên từng phóng. Nguồn: KCNA.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn tiếp theo đối với Bình Nhưỡng là phát triển một đầu đạn hạt nhân đủ mạnh để sống sót khi tái xâm nhập bầu khí quyển và đủ nhỏ để gắn vào tên lửa.

Shunji Hiraiwa, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nanzan, Nhật Bản, cho biết, đầu đạn hạt nhân mới Hwasan-31 mà Triều Tiên tiết lộ hồi tháng 3 dường như quá lớn để có thể gắn vào ICBM của nước này.

Bình Nhưỡng bắt đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào năm 2017. Cũng năm 2017, Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử thành công hai ICBM nhiên liệu lỏng từ bệ phóng di động trên đường ray Hwasong-14 và Hwasong-15.

Trong khi một ICBM lớn hơn, Hwasong-17, xuất hiện tại cuộc duyệt binh tháng 10/2020 và được phóng thử lần đầu tiên vào năm 2022.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), các tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, đặc biệt là Hwasong-18, thể hiện tính cơ động, uy lực, độ chính xác cao và có những đặc điểm khiến nó khó bị đánh chặn.

Các nhà quan sát Mỹ thừa nhận, các cuộc thử nghiệm đã chứng tỏ sự tiến bộ về công nghệ tên lửa của Triều Tiên, giúp củng cố chiến lược răn đe của nước này.

Văn Phong/Sputnik

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/bi-an-icbm-nhien-lieu-ran-kieu-moi-hwasong-18-cua-trieu-tien-142886.html