Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành 'khắc tinh' của F-16 ở Ukraine
Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.
Theo hãng tin Sputnik, đây là nhận định của ông Dmitry Kornev, chuyên gia quân sự và nhà sáng lập cổng thông tin Military Russia.
Hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đợt tấn công bằng hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander-M đã tiêu diệt 5 chiến đấu cơ Su-27 còn hoạt động, và làm hư hại 2 chiếc khác đang được sửa chữa tại sân bay Mirgorod ở vùng Poltava, miền trung Ukraine. Ngoài ra, một chiếc MiG-29 và một chiếc Su-27 của Ukraine cũng đã bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ.
Chuyên gia Kornev cho rằng, nếu các sân bay chứa tiêm kích F-16 mà phương Tây giao cho Ukraine nằm quá xa tầm với của tên lửa Iskander, Nga có thể sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal. Ông nói thêm, Kinzhal có tầm bắn lớn hơn so với tên lửa Iskander, và đang được sử dụng rất thành công để tấn công các mục tiêu có giá trị cao nằm trong khu vực triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.
Đòn tấn công của Nga vào sân bay Mirgorod được tạp chí Forbes mô tả là “một trong những ngày tốn kém nhất” của Kiev. Theo Forbes, nhiều blogger Ukraine đã đổ lỗi cho các sĩ quan không quân Ukraine về việc để tiêm kích Su-27 đỗ ngoài trời gần chiến tuyến. Trong khi đó, các máy bay không người lái (UAV) Lancet của Nga cũng từng triển khai loạt tấn công vào các căn cứ không quân “dễ bị tổn thương” của Ukraine.
Ông Kornev cho rằng, cuộc tấn công của Nga diễn ra thành công là nhờ một số yếu tố như “trinh sát thành công”, và khoảng cách tới sân bay cho phép tên lửa Iskander tiếp cận mục tiêu với độ chính xác cao.
“Phần lớn máy bay của Ukraine đã bị phá hủy vào năm 2022. Những gì còn sót lại đã được khôi phục, hoặc sửa chữa. Các lực lượng vũ trang Ukraine hiện sở hữu đội máy bay rất hạn chế. Do đó, mọi máy bay với Ukraine đều có giá trị ở thời điểm hiện tại, mà đặc biệt là Su-27”, ông Kornev nói.
Cũng theo ông, Kiev không thể mua Su-27 từ các nước khác. Lựa chọn duy nhất chỉ là thử khôi phục những chiếc còn lại bằng cách mua phụ tùng thay thế từ các nguồn khác.
“Không thể có được Su-27 như cách Ukraine nhận MiG-29 từ Đông Âu. Do đó, giá trị của Su-27 đối với các lực lượng vũ trang Ukraine hiện là rất cao”, chuyên gia Kornev nhận định.
Nói về tên lửa Iskander, ông Kornev cho rằng số lượng máy bay Ukraine bị loại tên lửa này tiêu diệt còn phụ thuộc vào cách đậu của máy bay.
“Nếu máy bay được xếp thành hàng giống như tại các sân bay trong thời bình, nhiều chiếc trong số đó có thể bị phá hủy. Song hiện tại, các máy bay đã được bố trí nằm trong hầm trú ẩn, mà mỗi hầm chỉ chứa 1 chiếc”, ông cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia, về mặt lý thuyết, một số máy bay quân sự của Ukraine có thể được khôi phục, nhưng hiện tại chúng không có chức năng hoạt động.
Hồi đầu tuần, Hà Lan tuyên bố dự kiến giao lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Ukraine trong vòng vài tuần tới. Theo ông Kornev, đối phó với việc Ukraine sắp nhận được F-16 từ Hà Lan, Nga sẽ chủ yếu dựa vào năng lực trinh sát chiến lược. Ngoài ra, Nga cũng sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu mức cao với các phương tiện để kịp thời đáp trả mọi cuộc tấn công tiềm tàng.
Trong cuộc trò chuyện hồi tháng 3 với các phi công quân sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay việc các nước phương Tây cung cấp F-16 cho Ukraine sẽ không thể làm thay đổi tình hình xung đột. Tuy nhiên, Moscow sẽ coi F-16 là mối đe dọa hạt nhân, bởi tiêm kích do Mỹ thiết kế có khả năng mang nhiều vũ khí như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng các loại bom bao gồm bom hạt nhân.