Bí ẩn không ngờ bên trong 'rừng quyên sinh' ở Nhật Bản
Một đoạn video gây tranh cãi trong cộng đồng mạng khi nó được đưa lên bởi ngôi sao mạng trực tuyến YouTube - Logan Paul đã cho thấy rõ mồn một hình ảnh một tử thi treo vất vưởng trên một cành cây bên trong Hải Lâm (Aokigahara) của Nhật Bản, nó cũng là một địa danh mà mỗi khi nhắc đến hết thảy người Nhật đều run: rừng quyên sinh.
“Rừng quyên sinh”
Nơi Logan Paul bấm máy quay đoạn video có tên là Hải Lâm (cánh rừng Aokigahara). Bà Karen Nakamura, giáo sư nhân chủng học tại Đại học California, Berkeley (UCB), lên tiếng giải thích: "Hải Lâm được biết đến như là nơi để người ta chọn đến giải pháp quyên sinh. Đó là lý do tại sao không khó để bắt gặp cảnh xác chết ở đó". Trong phần giới thiệu trên đoạn video gốc, Logan Paul phủ nhận anh đăng video nhằm mục đích kiếm tiền hay vì những lý do nào khác.
Hải Lâm (Aokigahara forest), đó là một cánh rừng rậm bạt ngàn, xanh mướt mắt nằm ở rìa ngọn núi Phú Sỹ, nơi đây cách thủ đô Tokyo độ 2 giờ lái xe về hướng Tây. Ngay cửa rừng đã chình ình một tấm bảng nhắc nhở người vào rừng rằng "cuộc sống quý giá".
Tấm biển có các dòng chữ viết bằng tiếng Nhật, đại khái như: "Hãy dành hơn một phút yên lặng để nghĩ về cha mẹ, anh chị em hay con cái. Đừng hủy hoại bản thân, trước hết hãy rời khỏi khu rừng".
Hải Lâm khét tiếng đen tối trong suốt hàng thập niên qua. Nó được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết viết vào năm 1960 bởi tác giả người Nhật Bản-Seicho Matsumoto, kể về một con nghiện heroine đã tự tử trong cánh rừng già. Hay gần đây hơn là một bộ phim kinh dị Mỹ công chiếu hồi năm 2016 mang tiêu đề "Cánh rừng tự sát" ("The Forest").
Theo báo cáo của chính quyền địa phương: "Khoảng 100 người từ các nơi khác đã chọn Hải Lâm là nơi để sang thế giới bên kia trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến năm 2015". Theo số liệu của Bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản (MHLW) thì trên toàn nước Nhật, chỉ riêng trong năm 2015 đã có tổng cộng 24.000 vụ tự vẫn.
Từ lâu các chuyên gia đang tìm hiểu xem lý do vì sao người ta lại chọn quyên sinh trong rừng. 3 thập kỷ trước, một nhà tâm thần học người Nhật đã phỏng vấn một số các nạn nhân chết hụt ở Hải Lâm và ra được câu trả lời rằng "họ tin là mình sẽ nhẹ nhàng sang thế giới bên kia mà không bị ai phát hiện".
Nhà tâm thần học, TS Yoshitomo Takahashi, cho rằng, phim ảnh và những báo cáo truyền thông đóng một vai trò quan trọng. Một số nạn nhân từ các tỉnh thành khác đã lặn lội tìm đến Hải Lâm bởi vì họ muốn "ra đi" cùng với những người đồng cảnh ngộ", ông Takahashi viết.
GS Nhân chủng học Karen Nakamura chỉ ra rằng nghiên cứu của nhà nhân chủng học Chikako Ozawa-de-Silva của Đại học Emory (Georgia, Mỹ) về khuynh hướng thành lập các diễn đàn trực tuyến kêu gọi quyên sinh ở Nhật Bản. Theo bà Ozawa-de Silva, internet đã cung cấp một lối thoát cho những ai muốn tìm kiếm các kết nối xã hội, nhất là những ai ngán sợ sự cô đơn và ao ước "ra đi cùng những người khác".
Bà Karen Nakamura nhận thấy có gì đó tương tự như những cái chết ở Hải Lâm, bà nhận xét: "Nhiều người chọn Hải Lâm để liều mình, chí ít họ nghĩ sẽ được "bầu bạn" với ai đó".
Tâm sự của nạn nhân chết hụt
Năm 2009, hãng tin CNN (Mỹ) trước đó đã phỏng vấn một quý ông trung niên khi ông này có ý định thác ở Hải Lâm. Chỉ khai tên là Taro, giấu biệt họ của mình, người đàn ông giải thích: "Tôi không còn thiết sống nữa. Tôi không còn là chính tôi, tôi muốn từ giã thế gian này. Đó là lý do để tôi đến với Hải Lâm". Trước đó, sau khi bị sa thải trong ngành sản xuất thép, Taro đã mua vé tàu cao tốc 1 chiều để đến Hải Lâm.
Lúc đến Hải Lâm, Taro cắt đứt cổ tay, nhưng vết thương đó không làm ông chết. Ông đổ sụp, suýt chết vì mất nước, đói và đông cứng toàn thân và may mắn được một người đi rừng tìm thấy và được cứu sống. Qua nhiều năm, ông đã có một số hoạt động nhằm nỗ lực giảm bớt hiện tượng tự sát trong rừng quyên sinh và trên toàn quốc.
Ông Imasa Wanatabe từ chính quyền tỉnh Yamanashi, giải thích: "Chính quyền địa phương đã thiết lập các camera an ninh ngay tại các cửa rừng, nhằm hy vọng theo dõi ai đó đi sâu vào rừng".
Chính quyền Yamanashi cũng đề cập đến các biện pháp phòng ngừa tự tử trong Hải Lâm như nâng chiều cao của các thanh chắn cầu, đào tạo các tình nguyện viên để họ thuyết phục những ai đó có ý đồ muốn tự vẫn, cảnh sát tăng cường tuần tra ngay các cửa rừng và giảm bớt thời lượng phát sóng của điện ảnh và truyền hình về danh tiếng của Hải Lâm như là nơi để rũ bụi trần.
Hãng tin CNN dẫn lời ông Imasa Wanatabe cho biết: "Đặc biệt là vào tháng 3 hàng năm, nhiều người thường tìm đến Hải Lâm để quyên sinh do nền kinh tế tồi tệ. Tôi luôn nung nấu chặn đứng mọi hành vi liều mình trong Hải Lâm, song chân thành mà rằng sẽ rất là gian nan để phòng ngừa mọi sự ở đây".
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhật Bản hiện xếp thứ 26 trong số những quốc gia có tỷ lệ cư dân tự vẫn. Trung bình 100.000 dân sẽ có 15,4 vụ tự tử, hay chia theo tỷ lệ 9,2 cho nữ giới và 21,7 cho nam giới.
Phần lớn các phân tích đều ghi nhận rằng căn nguyên tác động chính ở Nhật Bản là do khủng hoảng kinh tế đã xảy ra ở nước này vào cuối thập niên 1990. Các nghiên cứu khác từ chính phủ Nhật Bản đã chỉ ra rằng còn có các nhân tố rủi ro khác, bao gồm áp lực học hành, trầm cảm, làm việc quá sức, chật vật tài chính và thất nghiệp.
Theo WHO, ngay từ thập niên 2000, chính phủ Nhật Bản đã có sự phản hồi đối với nạn tự tử trong nước, làm hạ thấp tỷ lệ tự vẫn.