Bí ẩn khu rừng dưới sông Gianh giúp nuôi sống bao thế hệ
Từ bao đời nay, người dân ven sông Gianh ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã dựa vào khu rừng này để mưu sinh. Họ không chỉ biết khai thác mà còn biết bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Rừng rong dưới sông
Nằm bên hữu ngạn sông Gianh, từ bao đời nay, người làng Thanh Châu, xã Châu Hóa sống nhờ vào rừng rong (người dân địa phương gọi là tông) dưới đáy sông.
Thanh Châu nằm ở trung tâm vùng rong đã mọc thành "rừng" dưới lòng sông Gianh, đoạn từ xã Đồng Hóa đến Tiến Hóa, suốt chiều dài chừng 25km.
Làng Thanh Châu hiện có hơn 150 hộ dân. Ngôi làng mặt hướng ra song chỉ có khoảng 2,4 ha đất canh tác nhờ vào các bãi bồi ven sông, trồng ngô đậu.
Trước đây, người làng chủ yếu sống trên các thuyền nhỏ, dựa vào rừng rong để kiếm sống - cái tên "xóm Tông" cũng bắt nguồn từ đây.
Theo những cao niên trong làng Thanh Châu, ẩn mình dưới rừng rong là những đàn cá gồm nhiều loại quần tụ và sinh sống. Cư dân ở đây bao đời sống nhờ "lộc" rừng rong dưới sông.
"Rong ở sông Gianh mọc nhanh lắm, nhưng có một điều lạ là hễ có lũ về thì chúng hoàn toàn biến mất. Nhưng cứ từ dịp sau Tết Nguyên đán đến trước mùa lũ, các loại rong mây, rong lá, rong nhún mọc xanh rì cả mặt sông.
Bám vào chân rong là tôm cá, đủ loại, nước ngọt, nước lợ, đến cả trăm loài. Mùa nào thức ấy, cá nhiều như rong, người dân chúng tôi phấn khởi không thôi", ông Nguyễn Thanh Tuấn, một cao niên trong làng Thanh Châu cho biết.
Những gia đình ở Thanh Châu thường rất đông con, mỗi nhà 7-8 người con và lớn lên đều nhờ những đàn cá sống dưới rừng rong.
Trưởng thôn Thanh Châu Nguyễn Văn Thông có 8 đứa con, nhớ lại, khi ông còn nhỏ, cá dưới sông Gianh nhiều vô kể thậm chí có thể đưa vợt xuống xúc được. Người dân sống quanh vùng đi cứ thế đi bắt cá đổi rau, gạo, ngô, khoai đắp đổi qua ngày.
"Dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch là mùa cá mòi từ biển ngược sông Gianh qua đây. Dịp ấy rong mới mọc nhun nhún, nhiều đàn cá mòi kéo đến làm cả vùng rong sáng lóa. Có những buổi đánh lưới thu được cả tạ cá mòi, gỡ mỏi tay. Trẻ con phụ giúp bố mẹ đi bắt cá rồi đi đổi lấy gạo, sắn, khoai.
Những năm đói kém, gánh cá đi đổi nhọc lắm. Rổ cá có khi đổi được lưng rổ khoai, còn gạo thì có khi chỉ được mấy lon. Nấu cháo cả nhà chục miệng ăn, cho có hơi bột", Thông kể lại.
Cá về cư ngụ ở Thanh Châu rất nhiều, nhiều người dân không thể nhớ hết tên từng loài cá đó. Nghề bắt cá ở làng Thanh Châu vì vậy gắn với nhiều tên tuổi mà chỉ cần kể tên thì ai cũng biết.
Gian nan mưu sinh nơi dòng Gianh
Cá sông ngày càng ít đi, người dân phải chuyển đi làm đủ nghề để kiếm sống từ đi rừng, làm thuê ở các tỉnh phía Nam, đi nước ngoài. Dần dần, người làng Thanh Châu chuyển hẳn lên bờ xây nhà, không ai còn sống dưới thuyền nữa.
Nếu tính cả xã Châu Hóa thì nay chỉ còn gần 100 hộ dân sống dựa vào rừng rong để nuôi cá lồng trên sông Gianh. Nghề nuôi cá lồng một mặt mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng khiến người dân bao phen lận đận bởi phải đối mặt với thiên tai lũ lụt, nước mặn xâm lấn, "được mùa mất giá".
Bà Nguyễn Thị Huề đang nuôi 4 lồng cá, chủ yếu là trắm cỏ, rô phi, lăng chấm. Một ngày 2 bữa sáng và chiều, hai vợ chồng bà Huế cùng đi thuyền ra sông để vớt rong làm thức ăn cho cá. Đây là nguồn thức ăn tự nhiên "khoái khẩu" của các loài cá nuôi lồng.
"Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, song nghề nuôi cá lồng cũng vất vả và bấp bênh do phụ thuộc vào con nước. Mỗi mùa mưa lũ, hạn hán, chúng tôi phải kéo lồng cá đến vị trí an toàn, mất rất nhiều thời gian, công sức", bà Huề cho biết.
Có điều đặc biệt, cá nuôi ở vùng sông Gianh nổi tiếng trong vừng bởi thịt thơm ngon và săn chắc. Theo lý giải của người dân, nhờ được nuôi bằng rong nên chất lượng cá hơn hẳn các vùng, được thương lái và người dân ưa chuộng. Đến mùa thu hoạch, nhiều thương lái đến đặt cọc tiền sẵn, rồi cứ thế mà bắt về.
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, tận dụng thức ăn từ rong rêu nên nghề nuôi cá lồng của người dân địa phương đã phát triển, chủ yếu ở 2 làng Thanh Châu và Kinh Châu, hiện có tổng 95 lồng cá trên sông Gianh. Qua bao thế hệ, khu rừng rong này là tài sản thiên nhiên vô giá, nuôi dưỡng, tạo sinh kế và bảo vệ cuộc sống của người dân nơi đây.
"Cá lồng ở đây được khách hàng đánh giá cao về độ ngon nhưng việc thực hiện các chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm chưa được triển khai nên bà con phải tự lo đầu ra của sản phẩm, giá cả còn bấp bênh.
Việc đầu tư lồng nuôi cá khá tốn kém, cộng thêm chi phí thức ăn, cá giống… nên số hộ dân tham gia nuôi còn ít, thậm chí giảm so với vài năm trước. Bên cạnh đó, cá thường mắc một số bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị khiến người nuôi lo lắng", Chủ tịch UBND xã Châu Hóa thông tin thêm.