Bí ẩn kỹ thuật đúc trống đồng 2000 năm trước của cư dân Việt cổ
Trưng bày Âm vang Đông Sơn góp phần giải đáp những bí ẩn liên quan đến kỹ thuật đúc trống đồng từ 2.000 năm trước của cư dân Việt cổ.
Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2023) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, ngày 22-11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề Âm vang Đông Sơn.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước những di vật đặc sắc của văn hóa Đông Sơn, vừa được Bảo tàng sưu tầm và những phát hiện mới về khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu (Bắc Ninh) qua khai quật khảo cổ học, có niên đại sau Công nguyên.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn thông tin, Đông Sơn là một trong ba nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, góp phần hình thành nên các nhà nước sơ khai ở Việt Nam.
Di tích được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa. Tính đến nay, sau 100 năm phát hiện và nghiên cứu, nhiều phương diện của văn hóa Đông Sơn đã được làm sáng tỏ.
"Cùng với phát hiện, việc nghiên cứu đã hình thành nên các bộ sưu tập hiện vật của văn hóa Đông Sơn phong phú về số lượng, đa dạng loại hình, độc đáo về hình thức thể hiện, mang tính thẩm mỹ cao, làm từ các chất liệu đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá,... với kỹ thuật vô cùng tinh xảo, phản ánh đời sống lao động, sản xuất cũng như quan niệm về thế giới, nhân sinh của các cư dân Việt cổ từ hơn 2.000 năm trước" - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói.
Trưng bày Âm vang Đông Sơn gồm ba chủ đề: Sưu tầm mới về văn hóa Đông Sơn, Khuôn đúc trống Đông Sơn phát hiện từ lòng đất Luy Lâu và là Thực nghiệm đúc trống đồng.
Ngày 22-11, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận 51 hiện vật văn hóa Đông Sơn từ nhà nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Nam nhằm bổ sung cho bộ sưu tập của Bảo tàng. Hiện nay, bộ sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn. Đây cũng là một bộ sưu tập đồ sộ nhất đã được giới thiệu, trưng bày ở trong và ngoài nước.