Bí ẩn nhà thờ che giấu 83 trẻ Do Thái trước họng súng phát xít
Hai bé gái Do Thái ở vùng Đông Bắc nước Pháp đã giáp mặt tử thần khi phát xít Đức đặt chân lên quê hương họ 8 thập niên trước.
Như một phép màu, họ đã sống sót trong khi cha mẹ và cô em út bị sát hại. "Bà tiên" mang lại phép màu đó cho hai chị em và 81 trẻ Do Thái khác là một nhà thờ với những con người quả cảm ở Toulouse.
Cuộc đào thoát trong gang tấc
Helene Bach mới 12 tuổi vào thời khắc chứng kiến cuộc xâm lược của phát xít Đức. Một ngày như bao ngày khác, cô đang chơi ở khu vườn sau nhà cùng em gái Ida thì một chiếc xe tải quân sự ập tới. Đó là thời điểm tháng 5/1940, lúc quân Đức bắt đầu tiến đánh nước Pháp. Hậu quả là cả gia đình Helene và Ida phải hành hương xuống tận vùng đất phía Nam, khu vực tự do hiếm hoi của người dân Pháp.
Nhưng hành trình xẻ dọc nước Pháp của nhà Bach vướng phải một vấn đề lớn: một gia đình đông người sẽ gây chú ý và khó trốn thoát khi di chuyển trên quãng đường dài. Giải pháp là họ sẽ phải tạm xa nhau một thời gian khi gia đình tách thành hai nhóm. Người cha Aron và cô chị cả Annie đi trước, những người còn lại sẽ đi sau. Đáng tiếc là kế hoạch đó sớm sụp đổ ngay từ trong trứng nước.
Khoảng 1 năm kể từ khi họ bắt đầu cuộc hành hương, hai cha con Aron - Annie bị bắt. Quân phát xít tống họ vào trại tập trung ở Tours. Ở phía bên kia bức tường, ba mẹ con Helene thuê một căn nhà để vừa kiếm sống, vừa nghe ngóng tin tức được tuồn ra từ trong trại. Dù chỉ là một tia hy vọng mong manh, họ cũng mong nhận được chút gì đó từ người thân yêu. Rốt cục quãng thời gian đó chỉ kéo dài thêm 1 năm bởi lính Đức tiếp tục tràn xuống.
"Nhìn thấy lính phát xít từ xa, tôi và Ida lập tức chạy vào bếp báo với mẹ", Helene hồi tưởng. "Không kịp chạy, tất cả những gì mẹ tôi có thể làm là bảo hai chị em lập tức trốn vào khu rừng phía sau nhà. Ida ngày ấy mới 8 tuổi. Con bé không muốn xa mẹ, nên ngay cả khi tôi cầm chặt tay nó và chạy đi, nó vẫn chỉ muốn chạy về. Điều đó là không thể bởi từ xa, tôi đã thấy lính Đức ập vào nhà. Trong một thoáng yếu lòng, con bé vuột khỏi tay tôi và chạy thẳng về".
Một mình trong rừng tối, Helene chỉ biết chạy trốn khỏi họng súng quân phát xít. Cô chui vào một bụi cây và ngồi đó cho đến lúc cảm thấy chúng đã rời đi. Đúng như dự cảm không lành của mình, Helene không gặp được mẹ và em gái nữa lúc trở về nhà. Họ bị lính phát xít bắt đi nhưng vẫn kịp nhét một ít tiền vào ngăn kéo bàn cho cô. Helene sống nhờ ở nhà một người bạn gần đó với hy vọng tìm thấy mẹ và em gái trong tương lai, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.
Trong lúc Helene một mình mong ngóng tin tức từ gia đình, cô chị cả Annie không ngày nào từ bỏ ý định trốn thoát khỏi trại tập trung cùng cha. Sau một năm ở Tours, cô lén nhảy qua hàng rào nhờ sự trợ giúp từ một vài người khác. Vì tự do của con gái, cha cô quyết định ở lại. Một thân một mình trên hành trình mới, Annie đi xuống phía nam và đến ở nhờ nhà người họ hàng tại Toulouse. Chẳng nơi nào an toàn cả, thế nên Annie tìm đến sự giúp đỡ của một nhà thờ địa phương.
Nhà thờ lên tiếng
Không lâu sau khi đến Toulouse sinh sống, Annie nhận được một lá thư từ cô em gái Helene, lúc đó đang ở Tours. Vốn đã quyết định chuyển sang nơi khác sinh sống để không trở thành gánh nặng của người họ hàng, Annie rủ Helene đi cùng. Nhưng lúc đó họ đang ở cách xa hàng trăm cây số, vậy thì liên lạc và cùng chạy trốn thế nào? Người giúp đỡ hai chị em gặp mặt nhau là một phụ nữ có tên Maquis. Vượt qua mưa bom bão đạn, bà Maquis đến tận nhà tìm Helene.
"Ban đầu tôi không tin là có người tốt đến như vậy. Sẽ ra sao nếu bà ấy không phải người chị tôi tin tưởng, mà muốn chỉ điểm cho quân phát xít đến bắt người Do Thái tại trại tập trung thì sao?", Helene hồi tưởng. Phải đến khi bà Maquis rút ra một tấm ảnh chụp Helene do người chị gửi làm tin, cô mới đồng ý lên đường chạy trốn. Đó là một hành trình không hề dễ dàng vì Maquis phải làm giấy tờ giả cho Helene. Bản mô tả ghi cô gái nhỏ là sinh viên khiến Helene nhiều lần bị chặn lại xét hỏi trước khi đoàn tụ cùng chị gái.
"Vùng tự do" ở miền Nam nước Pháp thực sự không đúng như cái tên của nó. Không lâu sau ngày đầu hàng phát xít Đức, chính quyền mới của Quốc trưởng Petain thông qua luật bài trừ Do Thái. Mọi tài sản của người Do Thái đều bị tịch thu sung công quỹ, còn bản thân họ phải vào trại tập trung giống như những đồng bào khác trên khắp châu Âu. Điều đáng mừng là không phải ai cũng mang tư duy như Hitler và tay chân của hắn, thế nên cuối cùng chị em Annie và Helene cũng có chỗ ẩn náu.
Ngày 23/8/1942, Tổng giám mục Jules-Geraud Saliege của vùng Toulouse đích thân viết thư gủi đến các tu sĩ địa phương với yêu cầu khẩn khoản cầu xin họ hãy làm trái lệnh nhà nước đưa ra. "Đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái đang bị đối xử như những giống loại thấp kém", ông viết. "Gia đình họ ly tán, và từng người bị tống vào trại tập trung mà không biết nằm ở đâu, sống chết thế nào. Tại sao họ phải chịu số phận đó dù họ cũng là con người như chúng ta? Như những người anh em, chúng ta không được bỏ rơi họ".
Không phải ai cũng dám lên tiếng như Saliege. Hầu hết các Tổng giám mục trên toàn nước Pháp lựa chọn việc giữ im lặng, và Saliege chỉ là 1 trong 6 người hiếm hoi công khai phản đối. Nhưng chỉ một tiếng nói hiếm hoi của ông cũng đủ cứu giúp cho hàng chục sinh mạng vô tội thoát khỏi kiếp sống lầm than. Ở cách xa Toulouse đến 150km, một bà xơ trẻ có tên Denise Bergon quyết định làm theo tư tưởng của Saliege. Bà biến nhà thờ của mình thành nơi trú nạn cho trẻ em Do Thái.
Sống trước họng súng địch
Một năm trôi đi kể từ ngày Thế chiến II kết thúc, xơ Bergon mới có thể lên tiếng lý giải quyết định che giấu trẻ Do Thái của mình. Bà giãi bày tâm sự: "Những lời cha Saliege nói thực sự đã khiến tôi rung động. Nó cho thấy sức mạnh của tình thương yêu đồng loại có thể vượt qua mọi rào cản về tôn giáo, chính trị hay chủng tộc. Cứu giúp người Do Thái cũng là một hành động yêu nước, bởi điều đó giúp họ thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ chực chờ tống giam và sát hại họ".
Khó khăn lớn nhất của xơ Bergon trong việc che giấu trẻ Do Thái là việc tu sĩ tại nhà thờ của bà công khai ủng hộ Petain. Không còn gì để mất, bà viết thư cho Tổng giám mục Saliege để xin nhận hỗ trợ. Câu trả lời của ông khiến bà cũng phải ngạc nhiên. Thật khó tin khi một người thề nói thật trước Chúa lại khuyên bà nói dối: "Hãy cứ dối trá ngay trước cha xứ, con của ta à. Chúng ta hãy dối trá càng lâu càng tốt, miễn là điều đó giúp chúng ta cứu vớt những sinh linh vô tội".
Theo chỉ dạy của Saliege, xơ Bergon che giấu trẻ Do Thái tại nhà thờ bằng việc nuôi dạy chúng trà trộn cùng trẻ Công giáo tại trường dòng. Bà bắt đầu thực hiện điều này từ mùa đông năm 1942, khi hoạt động càn quét của quân phát xít diễn ra ít đi do điều kiện thời tiết không cho phép. Từ chỗ phải trốn chui trốn lủi trong rừng sâu, các gia đình Do Thái dần tin tưởng trao gửi con cái họ cho xơ Bergon. Bà đã che giấu và nuôi dưỡng 83 trẻ Do Thái, bao gồm cả chị em Annie và Helene.
"Sau quãng thời gian dài chạy trốn, cuối cùng tôi cũng tìm thấy một nơi an toàn để trú ngụ", Helene kể. "Trong ký ức tôi còn nhớ về xơ Bergon, bà là người ân cần nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Mỗi ngày tôi đều phải làm xong bài tập mới được chơi. Xơ Bergon chăm chút cho tôi và những đứa trẻ khác như chính con ruột của bà. Ngay từ lần đầu gặp, bà tươi cười đưa tôi vào phòng và nói đây sẽ là nhà của tôi, và điều đó đã thành sự thật".
Như một cách để "cảm ơn" người đã cưu mang con cái mình, nhiều gia đình Do Thái đã gửi tiền, vàng và nhiều đồ trang sức quý giá khi họ đưa con đến nhà thờ của xơ Bergon. Bà nhận lấy mọi thứ để họ yên lòng nhưng không giữ lại một chút nào cho riêng mình cả.
Xơ Bergon đưa tất cả vào một chiếc hòm và chôn xuống đất, rồi đào lên trả lại mọi người sau ngày chiến tranh kết thúc. Sau những đứa trẻ Do Thái, bà tiếp tục giúp người lang thang cơ nhỡ từ Bắc Phi tìm đến châu Âu. Bà qua đời vào năm 2006 ở tuổi 94 trong vòng tay của hàng trăm "đứa con" được bà cưu mang.