Bí ẩn những ngôi đền có trần dính máu ở Nhật Bản
Đến một số ngôi đền ở Kyoto, du khách sẽ thấy trần nhà có những vệt máu, dấu tay, dấu chân lưu lại. Đằng sau di tích có phần đáng sợ này là câu chuyện lịch sử của nước Nhật.
Những ngôi đền cổ tại trung tâm Kyoto như Genkoan, Shodenji, Yogenin và Myoshinji, hay đền Hosenin ở khu Ohara, Jinouji ở Yawata, Koshoji ở Uji... có điểm chung đặc biệt. Đó là đều có chitenjo hay trần nhà dính máu.
Những vệt sẫm màu này trông giống như nước đọng, nhưng nhìn kỹ, bạn sẽ thấy các dấu chân hay dấu tay.
Lâu đài Fushimi ở Kyoto (Nhật Bản) là một trong những nơi giao tranh cuối cùng thuộc "thời kỳ Chiến quốc" - giai đoạn nội chiến đẫm máu và dai dẳng tại Nhật Bản, kéo dài từ giữa thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17. Giai đoạn này kết thúc khi Tokugawa Ieyasu giành được quyền lực, lập ra Mạc phủ Tokugawa, thống nhất nước Nhật.
Trước đó, ông phải đánh bại những người ủng hộ Toyotomi Hideyori, con trai 5 tuổi và là người thừa kế của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi. Khi lãnh chúa qua đời vào năm 1598, 5 nhiếp chính bắt đầu tranh giành quyền lực. Trong đó, Tokugawa Ieyasu là người mạnh nhất.
Ieyasu chiếm lâu đài Fushimi từ Toyotomi Hideyori và giao cho tướng Torii Mototada, một samurai là đồng minh tin cậy. Không lâu sau, Ishida Mitsunari - lãnh chúa đối nghịch với Ieyasu - tập hợp đội quân 40.000 người, đổ về Kyoto để chiếm lại lâu đài.
Mototada được báo tin trước, nhưng dù chỉ có 2.000 người, ông vẫn ở lại. Trong 12 ngày kế tiếp, họ chống trả nhưng cuối cùng đã bị phản bội, và Mitsunari tiến được vào thành. Mototada cùng 370 võ sĩ còn lại đã mổ bụng tự sát.
Hành động của Mototada đã có tác động lớn đến lịch sử Nhật Bản. Vài tuần kế tiếp, Ieyasu đã tập hợp 90.000 quân và chiến thắng Mitsunari trong trận chiến quyết định tại Sekigahara. Ông trở thành mạc chúa đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa - triều đại trị vì Nhật Bản 268 năm.
Năm 1623, Ieyasu cho phá dỡ lâu đài Fushimi Castle. Những khu vực chưa bị phát hủy hay thiêu rụi được giữ lại, trong đó có sàn nhà nơi tướng Mototada và quân lính tự sát. Máu của họ ngấm sâu vào gỗ và lưu lại dấu vết vĩnh viễn.
Để tưởng nhớ Mototada, những tấm ván gỗ này được sử dụng làm trần nhà cho nhiều lâu đài và đền thờ khắp Kyoto.
Theo Amusing Planet