Bí ẩn những quả cầu thủy tinh mà Trung Quốc phát hiện ở 'Vùng tối' Mặt Trăng

Tàu thăm dò Trung Quốc tìm thấy những khối cầu thủy tinh bí ẩn trên Mặt Trăng. Liệu đó có phải là một cửa sổ nhìn vào quá khứ của chị Hằng?

Tàu thăm dò Yutu-2 của Trung Quốc. Ảnh: CNSA/Wikimedia Commons

Tàu thăm dò Yutu-2 của Trung Quốc. Ảnh: CNSA/Wikimedia Commons

Tàu thám hiểm Mặt Trăng Yutu-2 (Thỏ Ngọc 2) của Trung Quốc trong sứ mệnh thăm dò “Vùng tối” của Mặt Trăng đã có một khám phá mới đầy hứa hẹn. Nó tìm thấy hai quả cầu thủy tinh bí ẩn có thể lưu giữ thông tin quan trọng về thành phần của Mặt Trăng và lịch sử các sự kiện va chạm của thiên thể này.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 22/2, các vật thể lạ nằm ở "Vùng tối" của Mặt Trăng (phía không thể quan sát được từ Trái đất), nơi tàu Yutu-2 đã khám phá từ năm 2019.

Theo trang Science Alert, ban đầu được lên kế hoạch hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng chỉ trong 3 tháng, Yutu-2 hiện giữ kỷ lục là phi thuyền hoạt động lâu nhất trên Mặt Trăng. Khi đổ bộ xuống Mặt Trăng vào năm 2019, nó đã trở thành thiết bị thám hiểm đầu tiên đến được “Vùng tối” của Mặt Trăng và từ đó cung cấp những hiểu biết sâu sắc về phía mà chúng ta không thể nhìn thấy từ Trái đất. Vào tháng 1 vừa qua, chúng ta đã biết rằng đất ở “vùng tối” Mặt Trăng có đặc tính dính kết hơn rất nhiều, và giờ đây ta còn biết thêm về những quả cầu thủy tinh bí ẩn.

Nếu nhân loại muốn tìm kiếm thủy tinh trên bề mặt Mặt Trăng, ta sẽ tìm thấy rất nhiều. Có rất nhiều vật liệu silicat trên bề mặt Mặt Trăng và tất cả những gì cần thiết để biến nó thành thủy tinh là nhiệt độ cao. Trong quá khứ, Mặt trăng là nơi xảy ra các vụ phun trào núi lửa nhưng ngay cả ngày nay, tác động từ các vật thể nhỏ hơn như thiên thạch cũng tạo ra nhiệt lượng đủ để hình thành thủy tinh.

Các nhà nghiên cứu cho biết trong bài báo đăng trên tờ Science Bulletin, các quả cầu thủy tinh mà Yutu-2 quan sát được có thể là kết quả của va chạm từ thiên thạch với Mặt Trăng. Tuy nhiên, tàu thám hiểm Trung Quốc đã tìm thấy nhiều quả cầu như vậy trong suốt 3 năm hiện diện trên bề mặt Mặt Trăng và những quả cầu mới này có gì đó khác biệt.

Những viên thủy tinh khác được Yutu-2 tìm thấy trước đây có kích thước chỉ bằng 1 mm, trong khi hai quả cầu mới phát hiện có đường kính rộng 25-40mm. Điều thú vị là, sứ mệnh Apollo 16 của Mỹ cũng tìm thấy những khối cầu tương tự ở mặt gần của Mặt Trăng, chỉ khác là có đường kính khoảng 3,8 mm.

Vậy điều gì làm cho những quả cầu mà Yutu-2 mới tìm ra khác biệt?

Hình ảnh do Yutu-2 chụp về hai quả cầu thủy tinh mới.

Hình ảnh do Yutu-2 chụp về hai quả cầu thủy tinh mới.

Theo Zhiyong Xiao và các tác giả khác của nghiên cứu, những quả cầu được tìm thấy ở “Vùng tối” có tính trong mờ, không hoàn toàn trong suốt và có ánh thủy tinh như thạch anh hoặc đá topaz trên Trái đất. Những viên thủy tinh nhỏ bé được tìm thấy gần các hố thiên thạch mới, cho thấy các vụ va chạm của thiên thạch là nguyên nhân hình thành chúng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng những quả cầu này ban đầu được hình thành từ lâu khi Mặt Trăng có núi lửa phun trào và cuối cùng được quật lên bề mặt trong một vụ va chạm thiên thạch gần đây, khiến chúng bị nấu chảy và biến đổi thành những quả cầu trong mờ một lần nữa.

Nếu lý thuyết này là đúng, thì có khả năng nhiều quả cầu như vậy trên bề mặt Mặt Trăng sẽ chứa thành phần cấu tạo có thể được nghiên cứu để tìm hiểu về quá khứ của Mặt Trăng. Và nếu đúng như vậy, người Trung Quốc sẽ có khá nhiều điều khám phá được từ các mẫu vật họ mang về từ Mặt Trăng.

Tàu thăm dò Yutu 2 đã đi được quãng đường dài một km kể từ khi hạ cánh ở "Vùng tối" Mặt Trăng vào đầu năm 2019. Nó mới kỷ niệm ba năm trở thành thiết bị đầu tiên trên thế giới khám phá khu vực này, vào tháng 1 năm nay.

Phát hiện nói trên cũng không phải là khám phá gây tò mò đầu tiên mà Yutu-2 đã thực hiện. Vào tháng 12/2021, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã chia sẻ hình ảnh về một "ngôi nhà bí ẩn" được chụp bởi tàu Yutu-2 cũng ở "Vùng tối" Mặt Trăng. Vật thể này nhô ra từ đường chân trời Mặt trăng gần miệng núi lửa Von Kármán ở Nam Cực-Aitken Basin.

Các nhà khoa học không thể thống nhất với nhau đó là gì, trong khi xuất hiện các thuyết âm mưu kiên quyết cho rằng đó là cấu trúc do người ngoài hành tinh xây dựng.

Phải mất vài tuần Yutu-2 mới có thể tiếp cận gần vật thể và chụp được hình ảnh đẹp hơn. Các chuyên gia cuối cùng kết luận đó là một tảng đá có hình dạng kỳ lạ.

Sự kiện phóng tàu thăm dò "Vùng tối" Mặt Trăng mang tên Chang'e 4 (Hằng Nga 4), mang theo xe tự hành Yutu-2, của Trung Quốc đã ghi dấu mốc lịch sử với CNSA nói riêng và cả ngành du hành vũ trụ của nhân loại nói chung, bởi trước đó, chưa một nhà du hành hay robot tự hành nào đặt chân lên thế giới bí mật này của Mặt Trăng.

Bề mặt "Vùng tối" Mặt Trăng do tàu Apollo 16 chụp. Ảnh: NASA

Bề mặt "Vùng tối" Mặt Trăng do tàu Apollo 16 chụp. Ảnh: NASA

Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất. Nó đã quay quanh Trái Đất trong hơn 4,5 tỷ năm và trong thời gian đó, lực hấp dẫn của Trái Đất đã buộc tốc độ quay của Mặt Trăng phải đồng bộ với quỹ đạo của nó.

Kết quả là, Mặt Trăng cùng lúc quay trên trục của chính nó và quay quanh Trái Đất với cùng tốc độ. Điều đó có nghĩa là, một nửa bán cầu Mặt Trăng vĩnh viễn quay về phía Trái Đất, trong khi phía đối diện là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.

Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng đôi khi được gọi là "Vùng tối" hoặc "Mặt xa" của Mặt Trăng. Gọi là "Vùng tối" là vì người Trái Đất không quan sát được nó, chứ không phải nửa này không có ánh sáng Mặt Trời.

Giới thiên văn học cho biết, trong vòng 1 tháng, cả hai nửa của Mặt Trăng đều trải qua hai tuần có ánh sáng Mặt Trời, sau đó hai tuần là hai tuần chìm trong đêm tối. Trên thực tế, có khoảng 18% nửa tối của Mặt Trăng đôi lúc được nhìn thấy từ Trái Đất do hiệu ứng đu đưa của Mặt Trăng.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bi-an-nhung-qua-cau-thuy-tinh-ma-trung-quoc-phat-hien-o-vung-toi-mat-trang-20220224171417192.htm