Lăng mộ Võ Tắc Thiên, hay Càn Lăng, ẩn chứa nhiều bí ẩn, một trong số đó là 61 tượng đá không đầu xếp thành hàng trước cửa lăng.
Càn Lăng có vị trí đắc địa trên núi Lương Sơn, huyện Càn, thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Lăng mộ lộ thiên của Võ Tắc Thiên phải mất 23 năm mới cơ bản hoàn thành, gây ấn tượng với quy mô rộng lớn, kiến trúc hoành tráng, xa hoa khi có khu phức hợp gồm lối đi dài bằng đá, bia đá tưởng niệm, cung điện ngầm bí ẩn...
Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Trước khi Võ Tắc Thiên qua đời, di ngôn của bà là xây dựng 1 lăng mô lớn dành cho mình, trong đó đặt 61 tượng đá ở trước cửa lăng. Tuy nhiên điểm đặc biệt kỳ lạ khiến nhiều người tò mò là 61 tượng đá này đều không đầu.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng những tượng đá này có trang phục và ngoại hình rất giống với của người Đông Thổ, vì vậy những tượng đá này có thể là tượng của tù trưởng các dân tộc thiểu số Trung Quốc cổ đại và tượng các sứ thần từ các nước chư hầu.
Một giả thuyết cho rằng đầu của những bức tượng đá này đã bị chặt bởi người của nhà Minh.
Bên cạnh đó, một số học giả suy luận rằng đầu của các bức tượng đã bị rơi trong một trận động đất mạnh được ghi lại trong lịch sử vào năm 1556. Trận động đất này là một trong những nguyên nhân chính khiến 61 tượng đá này bị gãy đầu và ngoài các tượng người bằng đá, nhiều tượng ngựa bằng đá ở đây cũng bị hư hỏng phần đầu.
Tại Càn lăng có một bia đá dành cho Võ Tắc Thiên nhưng điều đặc biệt là tấm bia này không khắc chữ và ngày nay được gọi là Vô tự bia (bia không chữ). Bia đá cao 6,3 mét, rộng 2,1 mét và dày 1,5 mét. Vô tự bia còn gây nhiều tranh cãi, bí ẩn này khiến nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu phải đau đầu để tìm kiếm lời giải đáp.
Càn lăng là lăng mộ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc chôn cất hai vị hoàng đế là Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên. Trong 1.300 năm qua, vô số người đã cố gắng tìm kiếm lối vào cung điện huyền thoại dưới lòng đất này, nhưng những bí mật của lăng mộ vẫn là một bí ẩn.
Ngày nay, dù những bức tượng đá ở Càn Lăng không còn nguyên vẹn nhưng chúng vẫn là những minh chứng cho thấy kỹ thuật chạm khắc và sự phát triển cực thịnh của nhà Đường lúc bấy giờ.