Bí ẩn tủ đồ Hoàng gia: Ý nghĩa hoa cài áo của phụ nữ Hoàng gia Anh
Những chiếc hoa cài áo quý giá là một phần cơ bản trong thời trang của phụ nữ Hoàng gia Anh. Chúng không chỉ là vật trang trí đơn thuần mà còn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa.
Các món trang sức này không chỉ có giá trị về tiền bạc mà còn in đậm dấu ấn của lịch sử. Khi người sở hữu đầu tiên qua đời, chúng sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau thừa kế.
1. Hoa cài áo ngọc lam và kim cương
Chuyên gia trang sức Vincent Meylan cho biết chiếc hoa cài áo này vốn là quà cưới Vua Edward VII tặng Mary xứ Teck vào năm 1893. Mary đã giữ chiếc hoa cài này cho đến khi bà qua đời vào năm 1953. Sau đó, Nữ hoàng Elizabeth II là người thừa kế món trang sức này. Nhưng bà chỉ dùng nó một lần trong năm 2014 và một lần vào tháng 4 năm 2020.
2. Chiếc hoa cài bằng sapphire của Hoàng hậu Maria Feodorovna
Nhiều nhà sử học và chuyên gia trang sức tin rằng món trang sức này xuất hiện từ năm 1866. Trong năm đó, Vua Edward VII và Hoàng hậu Alexandra tương lai (khi đó là Hoàng tử và Công nương xứ Wales) đã tặng chiếc hoa cài áo cho em gái của Nữ hoàng Alexandra, Minnie, để kỷ niệm cuộc hôn nhân của cô với Hoàng đế tương lai Alexander III của Nga. Đó là một chiếc hoa cài làm bằng sapphire cabochon, được bao quanh bởi 2 hàng kim cương và có một giọt ngọc trai treo trên một viên kim cương khác. Sau cuộc hôn nhân của mình, Minnie được biết đến với cái tên Hoàng hậu Maria Feodorovna. Đó chính là nguồn gốc tên gọi của chiếc hoa cài này. Sau khi bà qua đời, các con gái của bà được thừa kế món nữ trang này. Về sau, nó được Nữ hoàng Mary, bà của Elizabeth II, mua lại trong cuộc đấu giá.
3. Hoa cài lông vũ và kim cương của Hoàng tử xứ Wales
Món trang sức này là một trong những phụ kiện đặc biệt nhất của Công nương Diana. Nó mang ý nghĩa đại diện cho 3 chiếc lông vũ trên huy hiệu của Hoàng tử xứ Wales. Ban đầu, chiếc hoa cài áo này là quà cưới dành cho Công chúa Alexandra vào năm 1863. Sau đó, Thái hậu đã tằng lại cho Công nương Diana vào năm 1981. Với tính cách ‘ngổ ngáo’, Công nương Diana đã biến nó thành một chiếc vòng cổ.
4. Nơ của Nữ hoàng Victoria
Chiếc nơ xinh đẹp này thực ra là một phần của bộ 3 chiếc nơ. Chúng được tạo ra bởi thợ kim hoàn nổi tiếng Garrard vào năm 1858. Nữ hoàng Victoria thích đeo 2 hoặc 3 chiếc nơ trong bộ nơ này khi tham dự các sự kiện đặc biệt. Nữ hoàng Elizabeth II cũng đeo món trang sức này trong dịp quan trọng nhất. Đó là ngày 9 tháng 9 năm 2015, ngày kỷ niệm chứng nhận bà là quốc vương có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử hoàng gia.
5. Cây dương xỉ bạc của New Zealand
Theo nghiên cứu được thực hiện trong kho lưu trữ lịch sử của các thư viện ở Auckland, chiếc hoa cài áo này là món quà Giáng sinh mà Nữ hoàng Elizabeth II nhận được vào năm 1953 từ Phu nhân Allum, vợ của Ngài John Allum, thị trưởng thành phố Auckland lúc bấy giờ. Sau này, Kate được thừa kế món trang sức quý giá đó. Cô luôn đeo nó khi tham dự sự kiện liên quan đến New Zealand.
6. Cullinan V
Viên đá quý được cắt thành hình trái tim chính là một phần của viên kim cương khổng lồ được khai thác ở mỏ Nam Phi vào năm 1905. Khối kim cương quý giá đó được cho là có giá trị hơn 3 nghìn carat. Ban đầu, chiếc hoa cài thuộc sở hữu của Mary xứ Teck, bà nội của Nữ hoàng Elizabeth. Bây giờ, Nữ hoàng là người sở hữu chiếc trâm cài đặc biệt này. Bà đã đeo nó trong Tuần lễ thời trang London năm 2018.
7. Cullinan III và IV
Người ta cho rằng khối kim cương Nam Phi trên đã được cắt thành 105 mảnh. Hai trong số những mảnh đó là Cullinan III và Cullinan IV. Chúng thường được kết hợp với nhau như một bộ hoa cài áo hoàn chỉnh. Cullinan III có hình quả lê và nặng khoảng 94 carat. Còn Cullinan IV 63 carat được cắt thành hình vuông.
8. True Lover’s Knot của Nữ hoàng Mary
Đây cũng là một món trang sức Nữ hoàng Elizabeth được thừa kế từ Nữ hoàng Mary. Chiếc trâm này độc đáo vì 2 lý do: thứ nhất nó có hình chiếc nơ có tua rua, không giống với những chiếc hoa cài gọn gàng khác; thứ hai là Nữ hoàng luôn đeo nó khi dự đám cưới của các thành viên trong gia đình. Năm 1960, bà dùng nó trong đám cưới của em gái bà, Công chúa Margaret. Năm 2011, bà tái sử dụng chiếc hoa cài cho đám cưới của Hoàng tử William và Kate Middleton.
9. Huy hiệu cá heo vàng của Hải quân Hoàng gia
Món trang sức này được trang trí với hình 2 con cá heo, mỏ neo và vương miện. Nó được Hải quân Hoàng gia Anh giới thiệu vào năm 1972. Theo bài viết của phóng viên Richard Palmer, lực lượng hải quân đã tặng phù hiệu này cho Nữ công tước xứ Cambridge. Sau đó cô đã đeo nó trong cuộc diễu hành trên sông Thames cho lễ kỷ niệm kim cương của Nữ hoàng Elizabeth vào năm 2012.
10. Hoa cài áo xanh ngọc Brazil
Năm 1953, tổng thống và người dân Brazil đã tặng cho Nữ hoàng Elizabeth món quà đăng quang (gồm một chiếc vòng cổ và hoa tai) làm từ đá aquamarines và kim cương. Quá yêu thích loại đá này, bà đã tự làm thêm một chiếc vương miện tương xứng. Sau đó, Chính phủ Brazil đã bổ sung thêm vòng tay và hoa cài áo để tặng cho Nữ hoàng.
11. Hoa huệ của thành phố London
Chiếc hoa cài này là món quà do Thành phố London tặng Nữ hoàng vào năm 1947 khi bà vẫn còn là Công chúa. Nó là tượng trưng cho thành phố tự do, thủ đô của nước Anh - London. Nữ hoàng thường đeo món trang sức này đến các buổi lễ kỷ niệm ngoài trời.
12. Hoa cài Jardine Star
Theo cuốn sách ‘The Queen's Jewels’ của Leslie Field, một quý tộc Scotland, Lady Jardine đã tặng món trang sức này cho Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1981. Nó được làm hoàn toàn từ kim cương. Đây là một trong những chiếc hoa cài áo được Nữ hoàng yêu quý nhất.
13. Chiếc hoa cài shamrock - Người bảo vệ Ailen
Shamrock là t từ ngữ dùng để chỉ một nhánh nhỏ còn non của cỏ ba lá, được sử dụng như một biểu tượng của Ireland. Thánh Patrick - thánh bảo trợ của Ireland - được cho là đã sử dụng nó như một ẩn dụ cho Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo. Kate thường xuyên đeo chiếc hoa cài này đến các sự kiện liên quan đến Ireland và văn hóa Ireland nói chung (như Ngày Thánh Patrick). Theo lời kể của tác giả James Wilson, vào năm 1961, trung đoàn Vệ binh Ireland đã trao tặng món trang sức này cho Công chúa Mary. Các thành viên khác trong gia đình hoàng gia đã từng đeo shamrock là Thái hậu và Công chúa Anne.