Bí ẩn vẫn bao trùm vụ rò rỉ Nord Stream
Hiện vẫn chưa có lời giải cho sự cố rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream tại biển Baltic. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết đã được đưa ra về tác nhân gây ra sự cố lần này.
Ngày 29/9, Thụy Điển thông báo đã phát hiện sự cố rò rỉ thứ 4 trên tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương bắc) vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức.
Trước đó, Thụy Điển và Đan Mạch đã ghi nhận 3 vụ rò rỉ khí đốt trên cả hai tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2.
Nord Stream hiện là một trong những tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng leo thang giữa châu Âu và Nga. Theo Reuters, các vụ rò rỉ đã làm thất thoát 800 triệu mét khối khí đốt tự nhiên.
Hiện nay, bộ ba quốc gia Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đã phối hợp điều tra sự cố Nord Stream. Tuy nhiên, đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về tác nhân gây ra các sự cố rò rỉ mức độ lớn của đường ống dẫn Nord Stream.
Ai đang bị đổ lỗi?
Các quốc gia EU tin rằng các sự cố đường ống dẫn khí đốt là do có người cố tình phá hoại, nhưng không trực tiếp nhắc tên người gây ra. Ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thủ phạm đứng sau đã "rất rõ ràng" nhưng không nói đó là ai.
Ngày 29/9, Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc Mỹ và các đồng minh đứng sau các vụ nổ khiến Nord Stream bị rò rỉ. “Lệnh trừng phạt là chưa đủ đối với những người Anglo-Saxons nên họ chuyển sang phá hoại", TASS dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin.
Trong một bình luận, Nhà Trắng đã phản bác các cáo buộc Mỹ đứng sau vụ việc. Ngày 30/9, Tổng thống Joe Biden cho rằng sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream là do hành động phá hoại gây ra.
Tại sao Nord Stream bị phá hoại?
Bên cạnh Nord Stream, một đường ống mới đã được xây dựng giữa Na Uy và Ba Lan, các quốc gia đang tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, biến khu vực này trở thành khu vực nhạy cảm của an ninh năng lượng của châu Âu.
Vụ việc lần này đã gây ra tổn thất nặng nề khi các đường ống dẫn đã được các đối tác châu Âu đầu tư xây dựng với chi phí lên tới hàng tỷ USD.
Các nhà phân tích cho biết thiệt hại này cũng có nghĩa là Nga mất đi một lợi thế đối với châu Âu, khu vực đang chạy đua để tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho mùa đông.
Dù trách nhiệm thuộc về ai, Ukraine cũng có thể là bên được hưởng lợi. Kyiv từ lâu đã kêu gọi châu Âu ngừng mua nhiên liệu Nga. Việc Nord Stream bị gián đoạn giúp lời kêu gọi của Kyiv về lệnh cấm vận nhiên liệu hoàn toàn của Nga có khả năng trở thành sự thật.
Nord Stream bị phá hoại như thế nào?
Các chuyên gia cho rằng quy mô thiệt hại và việc các lỗ rò rỉ cách xa nhau trên hai đường ống khác nhau cho thấy rằng hành động này là có chủ đích và được dàn dựng cẩn thận.
Các nhà địa chấn học ở Đan Mạch và Thụy Điển cho biết họ đã ghi nhận hai vụ nổ mạnh hôm 26/9ở khu vực lân cận rò rỉ và các vụ nổ ở phía trên chứ không phải phía dưới của đáy biển.
Một nguồn tin quốc phòng Anh nói với Sky News rằng cuộc tấn công có thể đã được tính toán trước và kích nổ từ xa bằng cách sử dụng mìn dưới nước hoặc các chất nổ khác.
"Nga có thể là người gây ra vụ nổ. Về lý thuyết, Mỹ cũng có khả năng nhưng tôi không thực sự thấy động lực ở để Mỹ làm điều đó", Oliver Alexander, một nhà phân tích tình báo nguồn mở, nói với Reuters.
Ông nói, Mỹ từ lâu đã kêu gọi châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng Washington có rất ít động lực rõ ràng để hành động vì Nord Stream không còn bơm khí đốt cho châu Âu vào thời điểm rò rỉ được phát hiện.
"Họ đã thành công trong việc ngăn chặn Nord Stream 2. Nó đã thực sự đổ bể và sẽ không đi đến đâu", ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng có thể thiệt hại bị gây ra bởi các thiết bị có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, với quy mô và độ chính xác cao, nhiều khả năng vụ nổ được thực hiện bởi một tác nhân có khả năng tiếp cận với công nghệ phức tạp.
Kênh thông tấn CNN của Mỹ đưa tin rằng các quan chức an ninh châu Âu đã quan sát thấy các tàu hỗ trợ và tàu ngầm của Hải quân Nga xuất hiện không xa địa điểm rò rỉ Nord Stream. Khi được hỏi về báo cáo này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự hiện diện của NATO trong khu vực này còn lớn hơn rất nhiều.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Việc Nga và phương Tây chỉ trích lẫn nhau có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã leo thang trong chiến sự tại Ukraine, Marek Swierczynski, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức nghiên cứu Ba Lan Polityka Insight, cho biết.
Ngày 2/10, Reuters đưa tin áp suất đã ổn định trên cả ba đường ống Nord Stream và vụ rò rỉ khí đốt đã dừng lại.
Theo Reuters, Cơ quan An ninh Thụy Điển ngày 6/10 thông báo kết quả cuộc điều tra hiện trường, kết luận rằng đã có vụ nổ tại Nord Stream 1 và Nord Stream 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và cho rằng các vết nứt là kết quả của hành động phá hoại.
Ngày 7-10, hãng tin Sputnik dẫn thông tin từ Đại sứ quán Nga tại Copenhagen cho biết Moscow sẽ cân nhắc tổ chức cuộc điều tra độc lập về các hành động phá hoại đối với hai đường ống Nord Stream 1 và 2. Trước đó, Đan Mạch và Thụy Điển cho biết không yêu cầu phía Nga điều tra về tình hình sự cố tại hai đường ống dẫn khí.
Theo thông tin từ các nước châu Âu, kết quả cuộc điều tra vẫn đúng như các quốc này suy đoán - các đường ống bị rò rỉ là do hành động phá hoại. Tuy nhiên, các nước này đã dừng cáo buộc Nga.
Về nguồn cung năng lượng châu Âu, Reuters dẫn lời ông Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành Claudio Descalzi của Eni, cho biết Italy sẽ sớm có kho khí đốt trước mùa đông. Tuy nhiên, tình hình nguồn cung đang trở nên khan hiếm và Italy nên cảnh giác với những bất ổn có thể phát sinh trong trường hợp mùa đông sẽ lạnh hơn, ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-an-van-bao-trum-vu-ro-ri-nord-stream-post1361059.html