Bí ẩn về hài cốt của Tào Tháo đã được sáng tỏ

Dư luận và giới chuyên môn lại tranh luận sau khi tờ Mail Online cho biết, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy hài cốt của Tào Tháo trong lăng mộ 1.800 tuổi ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Trước đó, tờ Beijing News dẫn thông tin từ Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam cho biết, họ đã phát hiện thi hài gần như nguyên vẹn của Tào Tháo trong một hầm mộ thuộc tổ hợp lăng mộ lớn ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.

Được biết, hoạt động khai quật diễn ra từ năm 2009, nhưng phải tới giai đoạn 2016-2017 việc này mới được thúc đẩy và vấp phải nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Thi hài được cho là của Tào Tháo được mai táng bên cạnh thi hài của 2 phụ nữ (50 và 20 tuổi) và danh tính của họ hiện vẫn chưa được xác định.

Hơn 5 năm trước (11/11/2013), tổ công tác liên hợp Nhân chủng học - lịch sử thuộc trường Đại học Phúc Đán, Trung Quốc từng công bố kết quả nghiên cứu về ADN của gia tộc họ Tào nói chung và Tào Tháo nói riêng.

Theo đó, Tào Tháo không phải là hậu duệ của danh tướng Tào Tham, một trong những khai quốc công thần nhà Hán. Đồng thời bác bỏ thuyết cho rằng, Tào Tháo là con cháu họ Hạ Hầu.

Việc lần đầu tiên xác định được 100% ADN gia tộc họ Tào (cuối năm 2012) và chứng minh Tào Tháo không phải hậu duệ của danh tướng Tào Tham khiến dư luận cho rằng, lịch sử Trung Quốc giai đoạn này có thể phải viết lại. Theo giới chuyên môn, Trung Quốc hiện có 8 nhánh mang họ Tào và mọi người đều nhận là con cháu của Tào Tháo.

Trước cửa mộ Tào Tháo.

Trước cửa mộ Tào Tháo.

Tào Tháo là nhân vật lịch sử được Trung Quốc quan tâm, nghiên cứu nên thông tin kể trên khiến dư luận.

Hơn 9 năm trước (21/8/2010), tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Văn học nghệ thuật và thư họa tỉnh Hà Nam Lâm Khuê Thành cùng 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học tại "Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc" ở thành phố Tô Châu từng khiến cho những tranh luận xung quanh mộ Tào Tháo lại có điều kiện bùng phát giữa 2 phái ủng hộ và phản đối.

Điều đáng nói là việc này diễn ra sau hơn 2 tháng (12/6/2010), Đài truyền hình Trung ương truyền hình trực tiếp buổi khai quật tại khu mộ Tào Tháo ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.

Tại "Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc", 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học kể trên đã đưa ra nhiều bằng chứng để phản bác lại những tuyên bố trước đây của các nhà khoa học, giới khảo cổ và sử gia xung quanh mộ Tào Tháo.

Theo đó, những thứ được tìm thấy tại ngôi mộ ở thôn Tây Cao Huyệt là vật chứng bị làm giả. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trên hoa văn của một số viên đá bên trong mộ.

Chuyên gia về thư pháp và đá cổ khẳng định, những hoa văn và cách bài trí của một số viên đá quá hiện đại so với thời Tào Tháo chết (15/3/220) và đó là điều vô cùng phi lý.

Một số đồ vật dường như đã được chế tác bằng những công cụ hiện đại - nhiều viên đá đã được gọt, cắt bằng cưa xích để tạo thành những hình khối phù hợp.

Họ cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với sự không thống nhất trong tên hiệu của Tào Tháo - Tào Tháo thường được biết đến với tên gọi Ngụy Vương hoặc Vũ Vương, nhưng trên bia đá của ngôi mộ được tìm thấy lại khắc Ngụy Vũ Vương.

Các nhà khảo cổ khai quật tại tổ hợp lăng mộ khổng lồ của Tào Tháo.

Các nhà khảo cổ khai quật tại tổ hợp lăng mộ khổng lồ của Tào Tháo.

Vao 27/2/2009, cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam công bố một tin gây chấn động: đã tìm thấy mộ của Tào Tháo. Ngôi mộ này được khai quật tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam và từ đó đến nay những tranh luận xung quanh chủ đề này luôn thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Cục Di sản văn hóa Trung Quốc đã xếp mộ Tào Tháo vào danh sách 10 phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất trong năm 2009. Và cho tới nay, trong dân gian vẫn lưu truyền 3 câu thành ngữ "Đa nghi như Tào Tháo", "Bị Tào Tháo đuổi" và "Hễ nhắc Tào Tháo là Tào Tháo đến".

Theo Trịnh Huyền My/Công an Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-ve-hai-cot-cua-tao-thao-da-duoc-sang-to/20200817023227771