Bí ẩn về mộ cổ của vị tướng quân không ai dám đến gần ở Bình Dương
Là vị tướng quân đương triều nhà Minh (Trung Quốc), ông Trần Thượng Xuyên do bất mãn đã cùng thuộc hạ của mình trốn sang Việt Nam. Hiện, mộ của ông đang được bảo vệ tại Bình Dương. Tướng Xuyên được người dân vùng Đông Nam Bộ tôn kính vì có công khai khẩn, mở mang kinh tế.
Chúng tôi tìm về làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương và tận mắt thấy ngôi mộ cổ hàng trăm năm của một vị tướng quân thời nhà Minh (Trung Quốc). Ngôi mộ vẫn còn nguyên những tảng đá ông, phủ đầy cỏ.
Theo thông tin từ Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, ông Trần Thượng Xuyên (1655–1720), quê quán tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là tổng binh 3 châu Cao, Lôi, Liêm của triều đại nhà Minh. Vì không quy phục triều đình Mãn Thanh nên ông cùng đoàn tùy tùng, tướng tá giông thuyền vượt biển Đông sang Đàng Trong (Việt Nam) xin tị nạn và lập nghiệp. Ông được coi là người có công khai khẩn, mở mang kinh tế, giao thương quy mô lớn tại vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
Khu mộ cổ trước khi được tìm thấy
Thời đương triều, ông Xuyên là một dũng tướng thao lược, nhiều lần giúp chúa Nguyễn cầm binh đánh dẹp giặc dã, mở rộng biên cương bờ cõi. Công đức to lớn của ông được nhân dân ghi tạc suy tôn thần tướng, kính trọng gọi “Đức Ông”, lập đền thờ tại đình Tân Lân (P. Hòa Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Hiện, phần mộ ông tọa lạc tại làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Sau khi ông Trần Thượng Xuyên mất, di hài được an táng trên khu thổ mộ của gia tộc tại vùng đất ở phía Bắc trấn thành Biên Hòa, thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định (nay là làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trải qua mấy thế kỷ, chinh chiến liên miên, vật đổi sao dời nên mộ Trần Thượng Xuyên đã bị mất dấu vết dưới lớp bụi dày thời gian.
Đó cũng là niềm day dứt của hậu duệ họ Trần Thượng và Ban tế tự đình Tân Lân. Mãi đến năm 1994, nhờ ba cơ duyên lớn đến: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên Ban hội đình Tân Lân đã cất công đi tìm và xác định được vị trí ngô mộ cổ. Một trong những người có công trong hành trình tìm lại được mộ cụ Trần Thượng Xuyên là ông Lâm Văn Lang (thường gọi là Tám Hiền), hiện là Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân.
Sau khi tìm thấy ngôi mộ cổ của vị tướng quân, cơ quan chức năng đã xây dựng lại
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, ông Lê Văn Để (80 tuổi) người trong giữ ngôi mộ cho hay, khu mộ không chỉ có mỗi mộ tướng quân Trần Thương Xuyên mà có cả những quân thần thuộc hạ của ông. Mộ được tìm thấy vào năm 1994 tại khu đất trong vườn nhà ông Để. Trước đó, ông Để tưởng mộ vô danh, cho đến khi biết mộ của tướng quân Xuyên thì gia đình hiến đất để lập đền thờ.
Ông kể từ lâu đời ở làng Mỹ Lộc khu mộ đá “bí ẩn” vô chủ, dân làng gọi là “mã Chệt”. Khu đất hoang đó rất linh thiêng, đến nỗi trâu bò không bao giờ bén mảng đến gần gặm cỏ, dân làng mỗi khi đi ngang qua khu mộ đá đó đều không dám chạy nhảy, nói lớn tiếng. Những năm chiến tranh ác liệt, dân quân du kích địa phương trên đường trở về chiến khu Đ, bị giặc phục kích thì chạy ẩn trú núp vào khu mộ. Thật kỳ lạ, quân địch dù cố gắng vạch cỏ truy lùng nhưng không bao giờ tìm thấy bóng dáng đối phương.
Theo lời ông Để, vị trí ngôi mộ nằm ở địa thế phù hợp theo thuyết phong thủy bền vững của người xưa: phía trước có ngọn núi đá lửa, phía sau có sông, dưới sông có lớp đá hàn.
Ngôi mộ của vị tướng quân Trần Thượng Xuyên
Tảng đá của ngôi mộ vẫn còn nguyên
Ngoài mộ của tướng Xuyên, trong khu mộ còn có mộ của tướng sĩ đi theo ông
Di ảnh của tướng Xuyên được đặt trong am thờ
Cơ quan chức năng đã xây dựng một am thờ tướng Xuyên
Ông Lê Văn Để nói về việc tìm thấy ngôi mộ cổ trong vườn nhà mình
Ông Lê Văn Để người trông giữ ngôi mộ cho biết, cách mộ Trần Thượng Xuyên khoảng 150m là khu mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Hai vị danh tướng xứ Đồng Nai cũ: Đô đốc Phiên Trấn Gia Định Trần Thượng Xuyên và Thi tướng rừng xanh chiến khu Đ Huỳnh Văn Nghệ, dù sống cách nhau gần 3 thế kỷ nhưng lại có khá nhiều sự trùng hợp thăng trầm trong cuộc đời binh nghiệp. Và sau khi hai vị tướng ấy mất, lại thêm có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cả hai ông đều chọn mảnh đất làng Mỹ Lộc làm nơi yên giấc ngàn thu.