Bí ẩn vụ trộm cầu 60 tấn ở Nga

Cầu 60 tấn là công trình tồn tại từ thời Liên Xô đã biến mất khỏi vùng Ryazan và có thể được bán làm phế liệu với mức giá thấp đáng kể.

Các quan chức thực thi pháp luật Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt ở vùng Ryazan thuộc phía Tây. Nhiều khả năng, cây cầu này đã được bán làm phế liệu với mức giá hơn 15.000 USD.

Vụ mất tích bí ẩn của một cây cầu ước tính nặng ít nhất 60 tấn đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt hoạt động tháo dỡ có thể kéo dài nhiều ngày mà không ai chú ý đến.

Nhà hoạt động địa phương Svetlana Konovalova cho biết, một công ty đường sắt địa phương đã tư nhân hóa cây cầu ở quận Skopinsky và sở hữu tất cả giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sở hữu. Tuy nhiên, một nhóm người không xác định được cho là đã tìm thấy các tài liệu cho rằng công trình này vô chủ, trước khi tiến hành tháo dỡ.

Hai trụ bê tông còn sót lại ở khu vực cây cầu nặng 60 tấn bị mất trộm. Ảnh: Baza Telegram/Russia Today

Hai trụ bê tông còn sót lại ở khu vực cây cầu nặng 60 tấn bị mất trộm. Ảnh: Baza Telegram/Russia Today

Bà Svetlana Konovalova tiết lộ thêm, chủ sở hữu thực sự của cây cầu đã yêu cầu cảnh sát điều tra vụ việc, đồng thời lưu ý rằng, nhóm trộm quen biết chủ sở hữu hợp pháp và hai bên trước đó đã không thực hiện được thỏa thuận mua bán.

Trong một tuyên bố, cảnh sát địa phương xác nhận đã nhận được khiếu nại về “sự biến mất của một cây cầu đường sắt không hoạt động” và mở cuộc điều tra hình sự. Những hình ảnh hiện trường vụ trộm cho thấy, chỉ còn sót lại hai cột bê tông ở khu vực cây cầu.

Theo Russia Today, những cấu kiện của cây cầu 60 tấn xuất hiện tại một điểm thu gom phế liệu địa phương. Thủ phạm vụ trộm đã nhận được 1,3 triệu rúp (tương đương 15.000 USD), trong khi giá trị ước tính của cây cầu lên đến 300 triệu rúp (3,5 triệu USD).

Kênh Mash Telegram thông tin, một cư dân địa phương đã bán cây cầu nhưng thực tế bị lợi dụng để ký giấy tờ và chỉ nhận được chưa đến 60 USD.

TASS cho biết, cây cầu không hoạt động và tuyến đường sắt không thuộc quyền quản lí của chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nhà nước khác. Người dân địa phương sử dụng cây cầu này như một lối tắt đến các khu định cư gần đó.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bi-an-vu-trom-cau-60-tan-o-nga-673222.html