Bị bắn lỗi tốc độ oan, cựu kỹ sư chi gần 1 tỷ đồng để kháng cự mức phạt gần 3 triệu đồng
Một người đàn ông Anh đã chi gần 40.000 USD (gần 1 tỷ đồng) trong suốt 3 năm để kháng cáo lại một vé phạt vi phạm tốc độ trị giá gần 3 triệu đồng cách đây 3 năm trước vì cho rằng mình bị oan.
Richard Keedwell, 71 tuổi, đến từ Yate, Gloucestershire (Anh), cho biết đã nhận được một vé phạt nguội vào năm 2016 vì đã chạy xe 35 dặm một giờ trong một khu vực giới hạn tốc độ chỉ 30 dặm một giờ, lỗi được ghi lại qua camera giao thông. Tuy nhiên, sau khi nhận được vé phạt, người đàn ông này đã tuyên bố rằng mình đã không vượt quá tốc độ và lỗi phạt nguội kể trên xuất phát từ sự không thống nhất về kỹ thuật của hệ thống camera giao thông.
Theo nhiều báo cáo, phí pháp lý của Keedwell đã tăng lên trong nhiều năm do kháng cáo nhiều lần và cựu kỹ sư vẫn chưa từ bỏ ý định của mình vì ông tin rằng hệ thống máy móc của cơ quan chức năng đã có lỗi .
Keedwell đã thuê một chuyên gia kỹ thuật có tên Tim Farrow làm nhân chứng cho mình, để phân tích tình hình bằng thiết bị đo từ xa và radar đặc biệt.
Trong phát hiện của Farrow sau khi phân tích hình ảnh từ camera tốc độ, Farrow cho rằng Keedwell có thể là nạn nhân của một hiện tượng liên quan đến máy ảnh bắn tốc độ được gọi là hiệu ứng Doppler kép.
Hiệu ứng Doppler kép mô tả vấn đề kỹ thuật trong đó chùm phát hiện radar của camera tốc độ vô tình làm chệch hướng sang một phương tiện khác đi cùng chiều, về bản chất, bắt và trích dẫn sai tốc độ của phương tiện. Đó là một hiệu ứng tương tự giải thích tại sao còi báo động của xe khẩn cấp thay đổi cường độ khi nó đi ngang qua một người đứng yên. Do radar sử dụng sóng vô tuyến có tần số cụ thể, các sóng đó hoạt động theo cách tương tự như sóng âm, dẫn đến sai lầm về việc xác định tốc độ chuẩn của phương tiện.
“Tôi không cảm thấy mình đã chạy nhanh hơn 30 dặm/giờ. Tôi đã rất khó chịu khi nhận được vé phạt nguội. Tôi tin vào những gì Tim nói, rằng máy móc đã đọc sai tốc độ. Nếu anh ta bảo tôi trả tiền phạt, không có gì xảy ra ở đây thì tôi đã chấp nhận và trả nó” Richard Keedwell cho biết.
Keedwell đã thực hiện kháng cáo lần đầu đối với khoản tiền phạt 100 bảng (gần 3 triệu đồng) vào tháng 6 năm 2017, nhưng ông ta đã thất bại. Với lần kháng cáo thứ ba vào tháng 8 vừa qua, ông ta đã mất thêm một khoản tiền khổng lồ 22.000 bảng, tương đương 27.142 đô la phí pháp lý nhưng vẫn chưa đạt được mục đích của mình.
Hiện, chưa rõ cựu kỹ sư này có quyết định kháng cáo lần thứ 3 hay không.
Tổng cộng, với gần 40.000 USD chi trả cho các lần kháng cáo, kỹ sư người Anh bị nhiều người cho rằng điên rồ, kể cả các con trai ông, những người đáng lẽ nhận được số tiền khổng lồ kể trên làm tài sản thừa kế. Tuy nhiên, vì cảm thấy bất công nên Keedwell có thể vẫn tiếp tục kháng cáo.
Diễm Vỹ (Theo Telegraph)