Bị bán sang TQ hai tháng, cô dâu Pakistan thân tàn ma dại
Cái chết của cô Samiya David càng làm tăng thêm bằng chứng về sự ngược đãi lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái Pakistan, khi họ bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu.
Sau khi bị gia đình bán cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ trong 2 tháng, Samiya David trở về nhà trong tình trạng gần như không thể nhận ra: Bị suy dinh dưỡng, quá yếu để có thể đi lại, những câu nói thì lắp bắp và rời rạc. “Đừng hỏi về chuyện gì đã xảy ra với tôi tại Trung Quốc”, anh họ Pervaiz Masih thuật lại câu trả lời duy nhất của cô David khi gia đình hỏi.
Và chỉ vài tuần sau đó, cô mất. Cái chết bí ẩn của cô Samiya David càng làm tăng thêm bằng chứng về sự ngược đãi lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái Pakistan, khi họ bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu.
Các cuộc điều tra của hãng tin AP đã phát hiện rằng những kẻ buôn người đang nhằm vào những người Pakistan nghèo khổ, khi chúng trả tiền cho các gia đình này để có thể đưa con em những gia đình trên, một số vẫn đang là trẻ vị thành niên, kết hôn với những người đàn ông Trung Quốc.
Khi tới Trung Quốc, những người phụ nữ Pakistan thường bị cô lập, bỏ rơi, bị lạm dụng và bán vào các ổ mại dâm. Một số phụ nữ trả lời phỏng vấn AP rằng, chồng họ nhiều lúc từ chối cho họ ăn uống.
Một danh sách do AP thu thập được đã ghi nhận có 629 phụ nữ và trẻ em Pakistan bị bán sang Trung Quốc làm vợ trong năm 2018 tới đầu năm 2019. Danh sách này được tổng hợp bởi các điều tra viên Pakistan đang nỗ lực triệt phá các mạng lưới buôn người.
Trước hôn nhân, cô David sống trong một căn nhà hai phòng chật chội cùng anh trai Saber và mẹ cô Francisabad Colony tại một con đường nhỏ hẹp ở thành phố Gujranwala, Pakistan. Bị một kẻ môi giới địa phương xúi giục, anh trai cô David đã nhận tiền để ép buộc cô phải kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc. Kẻ môi giới trên sau đó đã bị bắt do bị tình nghi có hợp tác với những kẻ buôn người.
Chỉ vài tháng sau đám cưới cuối năm 2018, David theo chồng sang Trung Quốc. “Khi David tới Trung Quốc, cô ấy khỏe mạnh, rất xinh và mạnh mẽ”, anh Masih kể. Hai tháng sau, anh trai nạn nhân David nhận được điện thoại tới đón cô tại sân bay Lahore. Và anh ta thấy cô ngồi trên xe lăn, quá yếu để có thể đi lại.
Tới đầu tháng 5/2019, David qua đời. Nguyên nhân cái chết của cô bị liệt vào dạng ‘chết tự nhiên’. Anh trai cô đã từ chối cung cấp thông tin em gái mình cho cảnh sát. Khi được AP phỏng vấn hồi tháng 11, anh ta nói rằng không có bản khám nghiệm tử thi, đồng thời tất cả tài liệu về cuộc hôn nhân, bản sao hộ chiếu người chồng và những bức ảnh cô David cho phóng viên AP xem đều bị thất lạc.
Theo anh Masih, gia đình David đang cố gắng giấu đi sự thật rằng họ đã bán cô làm cô dâu. “Họ đã nhận tiền, và đó là lý do tại sao họ muốn giấu tất cả mọi thứ”, anh Masih nói.
“Họ có thể đã bán con em họ, và ngay cả khi họ phát hiện ra cuộc hôn nhân đó có tồi tệ và nạn nhân đang phải chịu đựng, thì họ thà lờ việc này đi còn hơn bị mất mặt trước bạn bè và gia tộc”, một quan chức Pakistan giấu tên trả lời phỏng vấn AP nói.
Những kẻ buôn người luôn nhằm vào các vùng quê nghèo, nơi có những gia đình sẵn sàng bán con em họ. Thủ đoạn của chúng thường là trả tiền cho các kẻ môi giới địa phương, để những kẻ này khuyến khích người dân ép con mình cưới đàn ông ngoại quốc.
Cô Samia Yousaf đã kể với AP về những gì cô trải qua ở Trung Quốc. Khi cô cùng chồng sang Trung Quốc, lúc đó cô đang mang thai. Sang đến nơi, hiện thực khác xa những gì chồng cô từng hứa. Anh ta không khá giả, ngoài ra căn nhà của họ nằm ở ngoài rìa cánh đồng và phủ đầy mạng nhện.
Sau khi sinh con, chị chồng Yousaf đã từ chối cho cô bế con trai, đồng thời kiểm soát khi nào và trong bao lâu cô có thể được thấy con mình trong suốt sáu ngày nằm viện. “Tôi đã gào thét lên mỗi lần cô ấy tới bế đứa bé đi”, cô Yousaf hồi tưởng lại.
Chồng Yousaf cũng từ chối không cho cô được nuôi con bằng sữa mẹ, cho tới khi các bác sĩ khẩn cầu anh ta để cô cho con bú. Và khi cô không thể đi lại mà không có sự trợ giúp, các bác sĩ yêu cầu chồng cô đỡ cô ấy, nhưng hắn liên tục để cô ngã và không buồn giúp cô đứng dậy.
Vài tuần sau, các cơ quan chức năng địa phương đe dọa sẽ giam Yousaf vào tù, bởi thị thực của cô đã hết hạn còn gã chồng thì đang giữ hộ chiếu. Quá hoảng loạn và yếu đuối, cô cầu xin hắn cho cô và con trai quay trở về Pakistan.
Tuy nhiên, hắn từ chối để cô đưa con đi. Ngoài ra trong tờ đăng ký khai sinh đứa con, chỉ có tên hắn chứ không có tên của Yousaf. Lần cuối cùng cô được nhìn thấy con trai mình là vào tháng 9/2017, khi cô chuẩn bị quay về Pakistan. “Mỗi ngày tôi đều nhớ tới con mình. Tôi mường tượng con tôi trông như thế nào. Tâm trạng tôi luôn rất buồn”, cô nói.