Bị bắt vì gọi điện quấy rối người yêu cũ ở Hàn Quốc
Theo Korea Times, người đàn ông 38 tuổi này vẫn tiếp tục đeo bám và khủng bố điện thoại, bất chấp lệnh cấm từ tòa án.
Tại phiên xét xử ngày 11/7, Tòa án quận Chungcheon đã đưa ra mức phạt một năm tù cho bị cáo 38 tuổi.
Người này đã liên tục theo dõi nạn nhân, thậm chí gọi 1.023 cuộc điện thoại chỉ trong 24 ngày, dù đã bị tòa án cấm liên lạc từ phiên xử trước.
Ngoài ra, bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu bị cáo tham gia khóa cải thiện hành vi cho tội phạm quấy rối trong 40 giờ.
Theo luật chống theo dõi có hiệu lực từ đầu năm nay, kẻ đeo bám có thể nhận mức án 3 năm tù giam hoặc nộp phạt 30 triệu won. Những hành vi đó bao gồm tiếp cận, theo dõi, chặn đường... trái ý muốn của nạn nhân.
Luật cũng quy định rằng cảnh sát có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp hay tạm thời để tách nạn nhân khỏi kẻ rình rập.
Tại Hàn Quốc, tình trạng quấy rối phụ nữ nói chung hay khủng bố người yêu cũ nói riêng là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của nữ giới.
Trước đó, một người đàn ông họ Moon (42 tuổi) đã bị cảnh sát bắt giữ do cố ý theo dõi, quấy rối và dọa giết bạn gái cũ.
Korea Bizwire đưa tin người này bị bắt sau khi tung tin đồn thất thiệt, đeo bám, dọa cưỡng hiếp nạn nhân trong thời gian dài.
Sau khi mãn hạn tù, người này tiếp tục lập 3 tài khoản mạng xã hội, gọi điện và gửi tin nhắn dọa gây hấn với nạn nhân và người thân của cô.
Theo cảnh sát Hàn Quốc, số lượng các báo cáo về bạo lực hẹn hò đã tăng gấp đôi từ 9.364 trường hợp năm 2016 lên 18.945 vào năm 2020. Ngoài ra, báo cáo về các vụ bám đuôi, rình rập cũng tăng 423%, từ 2.772 trường hợp năm 2018 lên 14.509 trường hợp vào năm 2021, theo Chosun Ilbo.
Theo thống kê, tội phạm chống lại phụ nữ đang có xu hướng gia tăng ở xứ kim chi. Số liệu gần nhất cho thấy các vụ tấn công được ghi nhận đã tăng từ 45.306 từ năm 2015 lên 52.876 vào năm 2019.
Theo báo cáo do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình công bố năm 2020, chỉ 27,6% phụ nữ trên 13 tuổi trả lời rằng họ cảm thấy xã hội của họ "rất an toàn" hoặc "tương đối an toàn".