Bị cấm, cá piranha vẫn được bán tràn lan
Là loài động vật ngoại lai có xuất xứ từ Nam Mỹ, gây nguy hại cho hệ sinh thái tự nhiên và bị cấm nhập vào Việt Nam nhưng cá piranha vẫn đang được nhiều cửa hàng cá cảnh, chợ trên mạng rao bán công khai.
Cá piranha được biết đến với tên cá hổ, cá cọp, cá răng đao, cá răng cưa và còn được gọi là “sát thủ nước ngọt”. Chúng có hàm răng sắc nhọn, sinh sống và săn mồi theo bầy đàn. Cá piranha là loài động vật ăn tạp với nguồn thức ăn chính là cá sống hoặc cá chết; chúng còn ăn cả côn trùng, giáp sát, bò sát, động vật lưỡng cư, động vật có vú. Độ nguy hại của loài cá này đối với môi trường có thể còn khủng khiếp hơn nhiều loài sinh vật ngoại lai từng du nhập vào Việt Nam như ốc bươu vàng, đỉa, rùa tai đỏ, tôm hùm đất…
Đánh giá được mức độ nguy hại của cá piranha đến hệ sinh thái nên từ năm 1998, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có chỉ thị cấm nhập khẩu và nuôi loài cá này. Thế nhưng, tại TP.HCM, loài cá thường xuất hiện trong các bộ phim kinh dị này lại đang được rao bán công khai.
Tại một điểm bán cá cảnh thuộc P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, một bể chứa toàn cá hổ được đặt ngay giữa cửa hàng. Chủ cửa hàng tên Hoàng Hải cho hay, hiện bể có khoảng 500 con cá piranha bụng đỏ (red belly) với chiều dài 4-5cm, giá mỗi con 90.000 đồng. “Do số lượng quá nhiều nên chúng tôi phải cho cá ăn cám, nhưng trong hồ lúc nào cũng có một vài giống cá khác để chúng rỉa lúc đói. Chỉ cần nuôi thêm hai tháng, chúng sẽ lớn lên khoảng 7-9cm, về sau thì chúng phát triển chiều dài rất chậm” - anh Hải nói thêm.
Theo anh, hiện đa số người nuôi cá piranha chọn loài bụng đỏ do dễ nhân giống và dễ nuôi. Loài piranha bụng vàng (yellow belly) khó nhân giống, phải săn bắt trong tự nhiên nên giá luôn cao gấp nhiều lần piranha bụng đỏ. Khi chúng tôi hỏi về nơi săn bắt tự nhiên, anh Hải từ chối trả lời.
Tại một điểm bán cá cảnh ở Q.Bình Thạnh, chủ cửa hàng tên Thuận cho biết, nơi đây bán piranha bụng đỏ trưởng thành, to ngang ngửa bàn tay người lớn, dân chơi cá thường gọi là “cá short”, giá bình quân 500.000 đồng/con. Cũng loài này nhưng có gù trên gáy được gọi là cá “gù”, giá mỗi con cả triệu đồng.
Anh Thuận nói thêm: “Hiếm hơn nữa là cá hổ bụng vàng, lúc chiều dài 32cm, to 17-19 cm có giá 8 triệu đồng/con, lúc trưởng thành có giá khoảng 19 triệu đồng/con. Để nuôi được piranha, phải thả ít nhất năm con trong một bể”. Anh cho biết, toàn bộ cá piranha ở cửa hàng này có nguồn từ vùng Amazon của Brazil.
“Phong trào nuôi cá hổ có từ năm 2018 và được duy trì đến nay. Dân chơi cá cảnh độc lạ thích săn tìm piranha để nuôi do chúng có màu sắc bắt mắt, nhiều chủng loại, thân hình nhỏ nhưng rất hung hãn, hiếu chiến. Người mới chơi cá hổ thường nuôi dòng cá hổ bụng đỏ hoặc Newbe, Manu, Mac, Cariba, sau đó “nâng cấp” lên loài hung hãn nhất là Black Diamond” - chủ một cửa hàng cá cảnh ở Q.7 tên Tính, cho biết.
Theo Tính, cá hổ không ăn thức ăn viên, thức ăn khô hay đông lạnh. Để hạn chế tính hung hãn của loài cá này, một số người thay thịt tươi sống bằng thức ăn chay lúc chúng còn nhỏ. Tuy nhiên, khi thay chế độ ăn không phù hợp, cá có thể “nổi điên”, ăn thịt đồng loại. “Piranha có thể cắn người. Nhiều khách hàng của tôi thường xuyên bị cá cắn chảy máu hoặc xước tay khi thay rong, lấy đồ trong bể” - anh Tính kể.
Không chỉ bán công khai ở cửa hàng, cá hổ còn được rao bán đầy trên mạng, phổ biến nhất là qua mạng Facebook. Hầu hết các chủ trang quảng bá số lượng cá không hạn chế, gồm cá piranha bụng đỏ và bụng vàng, giá trung bình từ 90.000-170.000 đồng/con.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - khẳng định cá hổ nằm trong nhóm các loài sinh vật ngoại lai, không được phép nhập khẩu, nuôi trồng; mọi hình thức nuôi, kinh doanh, nhập khẩu đều vi phạm pháp luật: “Địa phương nào phát hiện thì tịch thu, tiêu hủy và xử phạt dựa vào mức độ sai phạm”.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)