Bị can Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại chữa bệnh khi con trai có đơn xin bảo lĩnh?

Trước thông tin bà Nguyễn Phương Hằng được con ruột là ông nguyễn Quang Tuấn có đơn gửi cơ quan tố tụng xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt và xin được bảo lĩnh cho mẹ về điều trị bệnh, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, điều này có được chấp thuận?

Trong đơn xin bảo lĩnh cho mẹ là bà Nguyễn Phương Hằng, ông Tuấn đã đưa ra lý do là bà Hằng có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội, đặc biệt ở giai đoạn đại dịch Covid-19. Ngoài ra, bà Hằng cũng đang trong thời gian chữa bệnh nên ông Tuấn xin cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án.

Trước đó, VKSND TP. HCM đã trả hồ sơ vụ bà Hằng bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bà Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam từ cuối tháng 3-2022. Ngày 18-8, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố bị can.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam từ cuối tháng 3-2022

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam từ cuối tháng 3-2022

Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, nhà báo Hàn Ni…Trong các buổi livestream của bà Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của một số cá nhân khác.

Trả lời câu hỏi “bà Hằng có được tại ngoại khi con trai gửi đơn xin bảo lĩnh”, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Bộ luật TTHS 2015, bảo lĩnh là một trong số các biện pháp ngăn chặn giống như các biện pháp khác như bắt người, giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, đặt tiền để bảo đảm…

Theo Điều 121, Bộ luật TTHS 2015 , bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Như vậy, bảo lĩnh chỉ áp dụng đối với đối tượng là bị can hoặc bị cáo; chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can; đây là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam.

“Trong thực tế, bảo lĩnh thường được áp dụng đối với bị can, bị cáo thuộc trường hợp có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ thành khẩn khai báo hoặc bị can, bị cáo phạm tội có tính chất nguy hiểm cao nhưng bị ốm đau, bệnh tật nặng...” - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Về cá nhân có quyền bảo lĩnh cho người bị tạm giam, theo Bộ luật TTHS, người nhận bảo lĩnh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh;

Bị can, bị cáo được bảo lĩnh là người thân thích của họ; Có ít nhất hai người cùng nhận bảo lĩnh; Làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ có xác nhận của chính quyền cấp xã nơi người đó cư trú.

Đối chiếu các quy định trên, việc con trai nộp đơn xin bảo lĩnh cho bà Nguyễn Phương Hằng là đúng quy định pháp luật. Song để bà Hằng có thể được áp dụng biện pháp này, cần thêm ít nhất một người thuộc nhóm "người thân thích" đứng ra bảo lĩnh cho bị can. Bên cạnh đó, điều này còn phụ thuộc vào việc cân nhắc, xem xét cơ quan tiến hành tố tụng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-can-nguyen-phuong-hang-co-duoc-tai-ngoai-chua-benh-khi-con-trai-co-don-xin-bao-linh-post519166.antd