Bị can vụ Tịnh thất Bồng Lai chết khi tại ngoại: Vụ án có bị đình chỉ?

Sau khi một bị can trong vụ Tịnh thất Bồng Lai chết trong thời gian tại ngoại, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định, vụ án có bị đình chỉ?

Theo thông tin từ Công an tỉnh Long An, bị can Lê Thu Vân (SN 1957) đang tại ngoại, trú tại hộ Cao Thị Cúc (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) đã chết do sức khỏe yếu, bệnh nặng. Trước đó, ngày 27-7, bị can này đã ra đầu thú tại TP.HCM, được di lý về Long An để điều tra. Sau khi làm việc, cơ quan ANĐT chấp nhận đề nghị xin tại ngoại của bị can Lê Thu Vân vì sức khỏe yếu. Bị can Lê Thu Vân đã về ở nhà bà Cao Thị Cúc ( ở huyện Đức Hòa, Long An) để dưỡng bệnh và phải thực hiện biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo hồ sơ vụ án, bị can Lê Thu Vân bị cáo buộc là cùng với ông Lê Tùng Vân và năm người khác ở Tịnh thất Bồng Lai lợi dụng hình thức tôn giáo, thông tin sai sự thật, bịa đặt để đăng tải các nội dung trên mạng xã hội (Youtube, Facebook) xúc phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của người khác. Bị can này đã bị khởi tố về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng do trốn truy nã nên chưa bị xử lý.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật hình sự Việt Nam quy định chỉ xử lý với người phạm tội còn sống. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, người thực hiện hành vi phạm tội đã chết, Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can, bị cáo đã chết đó.

Trường hợp người phạm tội duy nhất đã chết, không có đồng phạm khác, không còn người khác phạm tội thì Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với vụ án đó.

Về căn cứ đình chỉ điều tra, theo Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi.

Các căn cứ theo quy định trên gồm: Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 gồm: Không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm…

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, nếu vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-can-vu-tinh-that-bong-lai-chet-khi-tai-ngoai-vu-an-co-bi-dinh-chi-post584348.antd