Bị cáo buôn bán ma túy hầu tòa tại nơi tạm giam, trả lời HĐXX trực tuyến
Đây là lần đầu tiên phiên tòa trực tuyến được tổ chức với 2 điểm cầu tại tòa án và nơi tạm giam trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngày 4/7, tại Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Duy Định (sinh năm 1962 ở tập thể Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội mua bán trái phép ma túy.
Đây là phiên tòa đặc biệt do được truyền trực tuyến tại 2 điểm cầu tại tòa án và nơi tạm giam trên địa bàn thành phố.
Để chuẩn bị tốt cho phiên tòa được xét xử theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, theo Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) quận Đống Đa, thẩm phán Đào Vĩnh Tường cho biết, công tác chuẩn bị phiên tòa, xét xử và số hóa các tài liệu, văn bản, chuẩn bị triển khai đường truyền từ 2 đầu cầu đã được chuẩn bị chu đáo từ trước đó.
Điều hành phiên tòa trực tuyến đầu tiên tại Hà Nội là cũng chính là Thẩm phán Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa.
Đúng 9h ngày 4/7, việc xét xử trực tuyến bắt đầu, các thủ tục ban đầu đều tuân thủ đầy đủ trình tự phiên tòa bình thường. Bị cáo được dẫn giải tại phòng xử án từ sớm tại điểm cầu Trại tạm giam số 1 Công an thành phố đã lĩnh hội đầu đủ việc xét hỏi của Hội đồng xét xử.
Theo cáo trạng, khoảng 11h30 ngày 4/4/2022, tại trước khu vực ngõ 98 Khâm Thiên, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa (Hà Nội), tổ công tác Công an quận Đống Đa đã bắt quả tang Tạ Đức Hoàng (SN 1988, ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội) tàng trữ 0,72 gram ma túy.
Mở rộng điều tra, Hoàng khai nhận thường xuyên mua ma túy của Nguyễn Duy Định (SN 1962, ở tập thể Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) về sử dụng.
Khoảng 14h ngày 4/4/2022, Công an quận Đống Đa đã tổ chức khám khẩn cấp nơi ở của Định. Quá trình khám xét, thu giữ 1 cân điện tử, tại ngăn kéo tủ trong nhà Định và thu giữ trong túi quần đùi của bị cáo viên nén màu hồng, 3 gói giấy bạc màu xanh, 5 gói giấy bạc màu đỏ.
Qua giám định, chất bột dính trên cân điện tử là heroin, toàn bộ chất trong 8 gói giấy bạc màu xanh đỏ có trọng lượng hơn 1,4 gram heroin, 3 viên nén màu đỏ là ma túy tổng hợp Metaphetamin có trọng lượng 0,283 gram.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Duy Định đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, thừa nhận việc mua bán ma túy của một đối tượng chưa xác định tên Dũng tại ngõ chợ Khâm Thiên để bán cho các con nghiện khác nhằm thu lời.
Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của Tạ Đức Hoàng chưa đủ cấu thành tội phạm nên chỉ bị xử phạt hành chính.
Riêng chiếc xe máy Dream biển kiểm soát 29-358 Z3 mà đối tượng Hoàng khai nhận mua ở chợ xe máy chùa Hà, quận Cầu Giấy (Hà Nội) với giá 3 triệu đồng có nguồn gốc không rõ ràng sẽ tiếp tục được điều tra.
Đối với đối tượng bán ma túy cho Định tên Dũng ở ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa (Hà Nội) do chưa xác định rõ nên không có căn cứ xử lý.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Duy Định từ năm 1980 -1985 từng bị xử phạt hành chính về hành vi đầu cơ trộm cắp tài sản công dân, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ngày 1/11/2000, bị cáo Định bị tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phạt 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy chưa được xóa án tích… nên hành vi phạm tội của bị cáo là tái phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội.
Kết thúc phiên tòa trực tuyến, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Định 42 tháng tù giam theo đúng cáo trạng truy tố, kèm theo phạt hành chính 5 triệu đồng.
Tháng 11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
Theo nghị quyết này, TAND được phép tổ chức phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính đảm bảo yếu tố, gồm: có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, tại Khoản 2, Điều 1 của nghị quyết này, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Có 3 trường hợp mà TAND sẽ không thực hiện xét xử trực tuyến, gồm: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự