Bị cáo Lê Thanh Vân: 'Nhận tiền cho doanh nghiệp vui chứ không đòi hỏi gì'?

Sáng 8/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm. Bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024) bị xét xử về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi'.

Viện kiểm sát xác định, bị cáo Vương có hành vi trực tiếp gặp hai bị cáo Nhưỡng và Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng của Công ty Hạ Long, bị cáo Vương hứa sau khi nhận 10% số đất của dự án 36ha (tương đương 15 nghìn m2), bị cáo sẽ cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân mỗi người 1 lô đất ở xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), đồng thời bị cáo Vương còn hứa cho Nhưỡng và Vân, mỗi bị cáo 1 nghìn m2 đất tại Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh. Hành vi của bị cáo Vương khi tác động tới bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13 nghìn m2 đất (trị giá hơn 26 tỷ đồng).

Trước bục khai cáo, Vương trình bày, bị cáo với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có quan hệ xã hội vì cùng công tác ở cơ quan nhà nước. Qua bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, bị cáo quen biết bị cáo Lê Thanh Vân.

Theo trình bày của bị cáo Vương, (đại diện Công ty Hạ Long) gửi cho bị cáo toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án của Công ty Hạ Long đang có nguy cơ bị thu hồi do triển khai chậm tiến độ và khả năng tài chính của công ty cũng đang khó khăn.

Bị cáo Lê Thanh Vân.

Bị cáo Lê Thanh Vân.

Sau khi xem hồ sơ dự án và những tài liệu liên quan, bị cáo hướng dẫn đại diện Công ty Hạ Long làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Từ nguồn đơn của Công ty Hạ Long, Vương đã nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân làm giấy chuyển đơn của Công ty Hạ Long về các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, bị cáo tiếp tục nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhờ tác động giúp Công ty Hạ Long không bị thu hồi dự án mà được tiếp tục triển khai thực hiện.

Khi gặp bị cáo Nhưỡng, bị cáo Vương nói: “Dự án của Công ty Hạ Long là dự án của em. Em đã mua lại dự án này và dự án đã có mặt bằng sạch. Do Giám đốc Công ty Hạ Long bị ốm nên các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh định thu hồi dự án. Vì thế em nhờ anh giúp em để dự án tiếp tục được triển khai”, bị cáo Vương trình bày trước tòa.

Sau khi nhận lời giúp Công ty Hạ Long không bị thu hồi dự án, Vương yêu cầu Công ty Hạ Long phải chi 7 tỷ đồng để khi dự án được tiếp tục triển khai thì bị cáo sẽ đi cám ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và những người đã giúp đỡ. Tuy nhiên, đại diện Công ty Hạ Long mới đưa cho Vương 3,3 tỷ đồng.

Bị cáo Vương (áo xanh, hàng cuối) tại phiên tòa.

Bị cáo Vương (áo xanh, hàng cuối) tại phiên tòa.

Theo lời khai của Vương, sau khi ký hai công văn chuyển đơn của Công ty Hạ Long tới cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh theo hướng có lợi cho công ty không bị thu hồi dự án, Nhưỡng đã thông tin lại cho Vương biết.

Về phía bị cáo Vân, sau khi nghe Vương nhờ, bị cáo Vân cũng chuyển nhiều văn bản và gọi điện tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tác động giúp Công ty Hạ Long không bị thu hồi dự án.

Trước bục khai báo, Vương xác nhận đã hứa tặng hai bị cáo Nhưỡng và Vân, mỗi người một lô đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội và đề nghị hai bị cáo này chuyển căn cước công dân con của họ để Vương làm thủ tục đứng tên đất.

Vương cũng giữ nguyên lời khai trước cơ quan điều tra về lời hứa cho hai bị cáo Nhưỡng và Vân, mỗi người một nghìn m2 đất tại Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh.

Đối với bị cáo Lê Thanh Vân, Viện kiểm sát xác định, trong các tháng 6, 7, 8 và 12/2020, bị cáo Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng ở dự án này.

Ngoài ra, tháng 7/2023, bị cáo Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác Dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng. Bị cáo Vân bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Trước bục khai báo, bị cáo Vân khai, mối quan hệ giữa bị cáo và bị cáo Nhưỡng là đồng môn tại Trường Đại học Luật, và sau này cùng là Đại biểu Quốc hội nên thân thiết nhau.

Về mối quan hệ với hai doanh nghiệp ở Quảng Ninh (liên quan đến vụ án này), bị cáo Vân khai: “Bị cáo chỉ gặp họ hai lần đều ở phòng làm việc của bị cáo Nhưỡng khi tình cờ sang uống nước chè. Đến nay, bị cáo cũng không nhớ mặt hai doanh nghiệp ấy”.

Theo lời khai của bị cáo Vân, hôm đó, bị cáo Nhưỡng giới thiệu, doanh nghiệp có vướng mắc với dự án ở Quảng Ninh nên nhờ bị cáo nói thêm với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Sau khi hỏi vụ việc thế nào, bị cáo Vân đã gọi điện ngay cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Cuộc điện thoại bật loa của bị cáo Vân được bị cáo Nhưỡng ghi âm toàn bộ, nhưng bị cáo Vân nói không để ý. Chủ tọa phiên tòa cho biết, tệp ghi âm này đã được cơ quan chức năng trích xuất từ điện thoại bị cáo Nhưỡng trong quá trình điều tra.

Về lần gặp thứ hai với hai doanh nghiệp liên quan đến vụ án này, bị cáo Vân cho hay, cũng do “tình cờ” sang phòng bị cáo Nhưỡng uống nước chè và được doanh nghiệp kể, dự án đã được duyệt.

“Sau khi bị cáo đi bộ về phòng làm việc của mình thì một trong hai doanh nghiệp đi theo dúi phong bì vào túi bị cáo. Bị cáo cầm cho doanh nghiệp vui chứ không đòi hỏi gì từ họ”.

Trước khi phạm tội trong vụ án này, bị cáo Vương bị tuyên án 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do Vương đang kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/bi-cao-le-thanh-van-nhan-tien-cho-doanh-nghiep-vui-chu-khong-doi-hoi-gi--i755879/