Bị cáo Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam lĩnh án 3 năm tù
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam bị tuyên phạt 3 năm tù về tội 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng lĩnh án 3 năm tù
Tối ngày 21/9, sau một ngày xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) 3 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) bị phạt 2 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng Phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Ðại Nam) cùng bị phạt 1 năm 6 tháng tù.
Như vậy, cả 5 bị cáo đều phạm vào tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bà Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan 18 triệu đồng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên... đã thay đổi yêu cầu không buộc bị cáo phải bồi thường nên tòa không xem xét.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng có vai trò chủ mưu trong vụ án
Theo Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hành vi của các bị cáo trong vụ án nêu trên đã vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, các bị cáo tuy nhận thức được hành vi của mình nhưng đã cố ý thực hiện nhiều buổi livestream xúc phạm, xuyên tạc, vu khống, xâm phạm đế danh dự, uy tín của nhiều người. Vì vậy, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Trong vụ án nêu trên, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định bị cáo Nguyễn Phương Hằng có vai trò chủ mưu, khởi xướng và thực hiện. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân là đồng phạm giúp sức.
Riêng bị cáo Đặng Anh Quân cho rằng mình bị oan, nhưng căn cứ vào các chứng cứ thu thập được, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định bị cáo đã vi phạm quy định của Luật An ninh mạng, lợi dụng quyền tự do dân chủ xúc phạm người khác.
Theo nội dung vụ án, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân, gồm ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo - luật sư, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, tạm giam từ ngày 24/3/2022.
Trong thời gian Tòa án thụ lý giải quyết vụ án này, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) đã có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để tố giác về việc ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đại Nam) đồng phạm với bà Hằng.
Ngày 1/6/2023, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ bị can Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm trong vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lý do trả hồ sơ là để làm rõ 3 nội dung trong vụ án:
Thứ nhất, đối với yêu cầu bồi thường của một số cá nhân trong vụ án, hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ chứng cứ. Vì vậy, cần thu thập thêm chứng cứ. Nếu không có chứng cứ bổ sung, tòa án sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ hai, các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng tại nhà riêng và một số địa điểm tại Công ty cổ phần Đại Nam đều có sự xuất hiện của ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng ngồi cùng Nguyễn Phương Hằng). Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng trong vụ án.
Theo Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dù đơn tố cáo của 10 người trong vụ án không đề cập đến ông Huỳnh Uy Dũng nhưng cần phải làm rõ để giải quyết vụ án toàn diện, khách quan.
Thứ ba, ngoài tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố đối với bị can Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ hành vi có dấu hiệu làm nhục, vu khống người khác theo điều 155, 156 Bộ luật Hình sự.
Ngày 26/7/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Về hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng, Cơ quan điều tra xác định chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm. Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có cùng quan điểm với Cơ quan điều tra về hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng.
Ngày 18/8, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".