Bị cáo nộp Giấy khen, Bằng khen có được xem xét giảm nhẹ hình phạt?

Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nộp nhiều tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương, bệnh án. Nhiều người đặt câu hỏi, các tài liệu này có thể giúp bị cáo được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Sáng nay (11/7), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung, trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu”.

Ở phiên sơ thẩm, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Chung 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, tình tiết giảm nhẹ là một trong những căn cứ quan trọng để tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội, đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội.

Quy định này cũng nhằm đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là đối với những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và công tác; những người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Ngoài ra, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cũng thể hiện tính khách quan, mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết vụ án, khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo, thành khẩn hối lỗi.

Theo quy định tại BLHS, một trong những tình tiết giảm nhẹ là “người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”.

Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP và Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP nêu rõ, “người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…” (Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP) và một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là “lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng” (khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP).

Bị cáo Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm

Bị cáo Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác tại phiên tòa sơ thẩm

Như vậy, đối chiếu các văn bản trên, bị cáo Nguyễn Đức Chung thuộc trường hợp có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong phiên tòa phúc thẩm.

Còn trong trường hợp có đủ căn cứ cho rằng bị cáo mắc bệnh ung thư, Điều 62 BLHS 2015 quy định về miễn chấp hành hình phạt gồm: Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá;

Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 3 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp: Sau khi bị kết án đã lập công; Mắc bệnh hiểm nghèo; Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Trong khi đó, Danh mục Bệnh hiểm nghèo được ban hành kèm theo Thông tư 26/2014/TT-BQP quy định, các bệnh ung thư gồm ung thư các loại đã hoặc chưa được điều trị, phát triển đến giai đoạn cuối (tại chỗ khối u xâm lấn rộng, đã có di căn ở nhiều nơi trong cơ thể, có nhiều biến chứng, thể trạng suy kiệt, nằm một chỗ); tiên lượng xấu, thời gian sống còn ngắn…

Như vậy, theo quy định hiện hành trường hợp mắc bệnh ung thư phải thuộc trường hợp ung thư giai đoạn cuối đã có di căn, biến chứng và thời gian sống còn ngắn thì mới được xem là bệnh hiểm nghèo và miễn chấp hành hình phạt tù - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-cao-nop-giay-khen-bang-khen-co-duoc-xem-xet-giam-nhe-hinh-phat-post510283.antd