Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội thông báo cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có đơn xin tạm hoãn phiên tòa vì đang điều trị bệnh lao ác tính, viêm dạ dày, suy thận cấp. Ảnh: Trung Đỗ.
Đại diện VKS cho rằng đây là phiên tòa phúc thẩm mở ra lần đầu, các bị hại kháng cáo, bị cáo kháng cáo có đơn xin hoãn tòa, phiên tòa lại vắng mặt bị cáo. Căn cứ quy định của pháp luật, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét hoãn tòa để các bị cáo có điều khiện khắc phục tiếp hậu quả vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Ảnh: Trung Đỗ.
23 trong 50 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự. Hai em ruột bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (ảnh), Trịnh Thị Thúy Nga cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phần nội dung bồi thường, khắc phục hậu quả. Ảnh: Trung Đỗ.
Hồi tháng 8, TAND TP Hà Nội (cấp sơ thẩm) tuyên Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) lĩnh án 8 năm 6 tháng tù.
Tại phiên tòa sơ thẩm, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, tòa tuyên bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) lĩnh 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) 8 năm tù. Ảnh: Trung Đỗ.
Nhóm bị cáo còn lại là thuộc cấp của ông Quyết, cựu lãnh đạo công ty kiểm toán, cựu lãnh đạo ngành chứng khoán có người bị phạt thấp nhất 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; người cao nhất lĩnh 11 năm tù về một trong 2 tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo tòa sơ thẩm, năm 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp mượn danh nghĩa nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Nhóm ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh. Các hành vi trên tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC.
Thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư, trừ chi phí thu lợi hơn 600 tỷ đồng.
Ngoài hành vi thao túng chứng khoán, ông Quyết có hành vi chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Ảnh: Trung Đỗ.
Ân Vũ