Bị cáo từng bị tạm giam 13 năm tiếp tục kêu oan

Bị cáo Nguyễn Huy Khang, từng bị tạm giam 13 năm, khai rằng bản chất giao dịch là vay mượn tiền, bị cáo không lừa dối, không có việc góp vốn.

Ngày 6-5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Đình Bang (74 tuổi), Nguyễn Huy Khang (66 tuổi) và Hoàng Thị Xuân (62 tuổi) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án kéo dài 15 năm, đã qua 2 lần xét xử sơ thẩm và đều bị cấp phúc thẩm hủy án. Bị cáo Nguyễn Huy Khang bị tạm giam 13 năm trước khi được thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Đây là lần xét xử sơ thẩm thứ 3. Quá trình giải quyết vụ án, hai bị cáo Nguyễn Đình Bang, Nguyễn Huy Khang nhiều lần kêu oan. Tại phiên tòa này, ông Bang, ông Khang tiếp tục kêu oan.

Ông Thái Khắc Toàn (Phó GĐ Công ty Huy Phát), người được xác định bị lừa đảo 22 tỉ đồng tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa.

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Huy

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Huy

Từ việc chuyển nhượng vốn góp

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Đình Bang, Nguyễn Huy Khang tạo dựng các hợp đồng, quyết định, biên bản không đúng thực tế để Khang đi huy động vốn của ông Thái Khắc Toàn.

Ông Khang dùng thủ đoạn gian dối, thông tin mình đã mua “80% cổ phần dự án An Khánh” để mời chào ông Thái Khắc Toàn góp vốn tham gia đầu tư vào dự án. Sau khi nhận tiền, ông Bang, ông Khang không sử dụng vào việc thực hiện đầu tư dự án mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân hết.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đình Bang khai bản thân là một trong 2 thành viên góp vốn tại Công ty Trường Sinh.

Công ty này là chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh trên diện tích 6.338m2 đất ở cụm công nghiệp An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Công ty Trường Sinh đã được cấp sổ đỏ đối với khu đất này.

Năm 2009, ông Bang chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại Công ty Trường Sinh cho bị cáo Nguyễn Huy Khang. Ông Khang đã đặt cọc 300 triệu đồng. Do ông Khang chậm trễ thanh toán, ông Bang muốn thanh lý hợp đồng nên gọi điện thông báo với ông Khang nhưng ông Khang không đồng ý.

Đầu năm 2010, ông Khang gọi điện thông báo có tiền rồi và xin tiếp tục chuyển nhượng thì ông Bang đồng ý.

Ngày 20-4-2010, phía ông Khang báo đã chuyển khoản cho ông Nguyễn Đình Bang số tiền 19 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.

“Ngày 24-4-2010, anh Khang đến nhà tôi đi cùng một người được giới thiệu tên là Toàn, em vợ ông Khang, đến để giúp đỡ anh Khang. Suốt cuộc gặp, anh Toàn không nói gì với bị cáo, anh ý chỉ ngồi nghe, không hỏi, không nói gì.

Tại cuộc gặp này, anh Khang bàn giao ủy nhiệm chi cho bị cáo, bị cáo giao toàn bộ giấy tờ tài liệu liên quan dự án, công ty gồm sổ đỏ, con dấu, đăng ký kinh doanh… cho anh Khang. Hai bên chốt là chuyển nhượng xong và bị cáo chỉ còn trách nhiệm ký nốt các văn bản để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng sang cho anh Khang” - ông Bang khai.

Theo cáo buộc, tại cuộc gặp này, ông Toàn mang theo một ba lô đựng 2,8 tỉ đồng tiền mặt và 12.000 USD (tương đương 3 tỉ đồng) và giao cho ông Khang, sau đó, ông Khang giao số tiền này cho ông bang. Trên đường về, ông Khang giao cho ông Toàn con dấu Công ty Trường Sinh và đăng ký kinh doanh bản gốc.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Bang khẳng định không nhận số tiền 3 tỉ đồng này.

“Tôi không biết anh Toàn, không biết mối quan hệ của anh Khang, anh Toàn. Dự án là thật, tài sản là thật, tôi cũng bán thật, tôi không lừa đảo. Khi nhận được tiền, tôi đã bàn giao sổ đỏ, con dấu, giấy tờ…” - ông Bang nói.

Sau khi nhận 19 tỉ đồng, ông Bang chưa có nhu cầu sử dụng nên vẫn để nguyên số tiền này. “Khoảng 1 tháng sau, bị cáo nghe nói có kiện cáo, lúc đó bị cáo mới biết anh Toàn không phải là em vợ anh Khang. Vì thế, bị cáo lại càng không sử dụng tiền, để chờ Công an giải quyết”- ông Bang trình bày tiếp.

Vay mượn hay góp vốn?

Suốt phiên tòa, bị cáo Nguyễn Huy Khang nhiều lần khẳng định mình không phạm tội, không lừa đảo, giữa ông và ông Toàn là giao dịch vay mượn, không phải góp vốn, không huy động vốn.

Ông Khang trình bày rằng khi chuyển nhượng phần vốn góp do thiếu tiền nên vay tiền của ông Thái Khắc Toàn. Ông Khang biết ông Toàn là do người quen Nguyễn Đức Thành giới thiệu.

Việc vay mượn này được đảm bảo bằng cách ký một hợp đồng góp vốn mua cổ phần dự án. Số tiền 34 tỉ đồng ghi trên hợp đồng là bao gồm tiền gốc vay và phần ông Toàn được hưởng thêm. Với hợp đồng này, trường hợp, ông Khang không trả được nợ thì ông Toàn sẽ có quyền lợi trong tài sản hình thành trong tương lai (Dự án An Khánh).

Người làm chứng anh Nguyễn Đức Thành cũng khai giao dịch giữa ông Toàn và ông Khang là vay mượn. Anh Thành là người đã giới thiệu ông Khang với ông Toàn để vay tiền.

Kể về sự việc, anh Thành cho biết, tại cuộc gặp trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội), ông Khang nói đã mua 80% cổ phần dự án nhưng còn thiếu tiền và đưa ra quyển dự án gồm nhiều tài liệu phô tô cho anh Toàn xem.

Anh Toàn gọi cả Văn phòng luật đến để xem xét. Hai bên đề xuất thời hạn hợp đồng là 30 ngày, anh Khang sẽ trả thêm nửa số tiền gốc nên số tiền ghi trong hợp đồng tăng lên là 34 tỉ đồng.

Trong lần đến nhà ông Bang thì chỉ ông Toàn, ông Khang vào gặp, anh Thành và một số người đi cùng ở ngoài. “Lúc đó tôi được biết mọi người đã bàn giao giấy tờ hồ sơ dự án, sổ đỏ, con dấu. Khi về, anh Khang giao sổ đỏ luôn cho anh Toàn, còn con dấu thì chuyển sau”-anh Thành khai.

Chủ tọa phiên tòa hỏi người làm chứng vì sao trong quá trình điều tra lại khai đây là giao dịch chuyển nhượng? Người làm chứng khẳng định từ trước đến nay, ông đều khai đây là chuyện vay mượn và cam đoan mình đã khai đúng sự thật.

Ngày 7-5, HĐXX tiếp tục làm việc.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-cao-tung-bi-tam-giam-13-nam-tiep-tuc-keu-oan-post848294.html