Bị cắt nước sinh hoạt vì không thỏa thuận được với đơn vị cấp nước
UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường đang tiến hành giải quyết thực trạng nhiều hộ gia đình rơi vào tình cảnh bị đảo lộn sinh hoạt do nước nước sạch sinh hoạt đang bị cắt nhiều ngày nay.
Bao giờ cấp nước trở lại?
Gần 10 ngày nay, người dân thôn Liễu, và thôn An Lão xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc rơi vào tình cảnh mất nước sinh hoạt, khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nước sinh hoạt bị cắt chưa biết đến khi nào mới cấp lại, các hộ gia đình phải quay trở lại sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo an toàn vệ sinh y tế.
Qua tìm hiểu, PV Kinh tế và Đô thị được biết nhiều tháng nay, cư dân thôn An Lão vẫn sử dụng nước sạch từ Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng (dự án cấp nước sạch cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc, do Công ty Cổ phần Xây dựng Procons làm chủ đầu tư). Nhưng đến thời điểm ngày 29/2 thì đơn vị cung cấp nước đã có thông báo số 11/TB - NMNSSH tạm ngừng dịch vụ cung cấp nước tại thôn An Lão.
“Nước sinh hoạt bị cắt từ ngày 29/2 kéo dài đến nay đã hơn một tuần mà chưa được cấp lại. Trong thông báo tạm dừng cấp nước sinh hoạt gửi đến cư dân, Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng đưa ra lý do trong quá trình nhà thầu đến rà soát, đánh giá, xử lý kỹ thuật gặp phải sự ngăn cản của một số hộ dân, do đó họ không thể hoàn thành công việc như kế hoạch đề ra. Do vậy, họ đã thông báo tạm dừng cấp nước sinh hoạt cho đến khi vấn đề kỹ thuật được xử lý xong thì mới cấp lại, chứ không đưa ra thời hạn cụ thể khi nào khắc phục xong”. – ông Thanh, một người dân thôn An Lão cho biết.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn cho biết rằng, việc tạm dừng cấp nước sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của khách hàng, mong khách hàng thông cảm và chủ động bố trí nguồn nước sử dụng cho đến khi nhà máy cấp nước trở lại.
“Với thông báo có nội dung như vậy, đã khiến cư dân băn khoăn lo lắng, nếu như thời hạn khắc phục sự cố không được khắc phục sớm, mà kéo dài nửa tháng, cả tháng, thậm chí cả năm… thì đồng nghĩa với việc khó khăn mà cư dân phải đối diện do bị cắt nước sinh hoạt cũng sẽ càng nhiều” – ông Thanh, cư dân thôn An Lão cho biết.
Được biết xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 200 hộ gia đình đăng ký cam kết sử dụng nước sạch của Chủ đầu tư Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng (dự án Cấp nước sạch cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, chỉ mới có khoảng 50 hộ gia đình hiện tại có nước sạch sử dụng. Số còn lại khoảng 150 hộ gia đình, bị cắt nước sinh hoạt, khiến cuộc sống sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn.
“Thỏa thuận” thu tiền trước của cư dân?
Trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh xác nhận thực tế đang xảy ra ở địa phương, người dân các thôn An Lão và thôn Liễu bị cắt nước sinh hoạt trong nhiều ngày nay.
Cụ thể, theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh, Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng, cấp nước cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng Procons. Khi triển khai dự án, ban đầu Chủ đầu tư đã thỏa thuận với người dân (có cả sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương) chi phí lắp đặt vật tư đường ống đối với các hộ đăng ký sử dụng là 1.950 nghìn đồng.
“Sau khi thống nhất thỏa thuận, UBND xã đã triển khai vận động đến người dân thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại không theo đúng thỏa thuận ban đầu đã được phổ biến đến cư dân, thay vì thu 1.950 nghìn đồng/hộ thì họ lại yêu cầu cư dân ký "Biên bản thỏa thuận và Đề nghị cấp nước sạch" và phải nộp 3.000.000đ tiền đặt cọc. Trong đó người dân đóng trước đợt một 800.000đ và đợt hai phải nộp thêm 2.200.000đ. Chính vì vấn đề nhận thấy chi phí cao hơn so với thỏa thuận ban đầu, nên nhiều hộ gia đình đã phản đối, thì dẫn đến bị cắt nước sinh hoạt.” – ông Nguyễn Ngọc Khánh cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh Nguyễn Ngọc Khánh, việc ký biên bản và nộp tiền đặt cọc 3 triệu đồng là thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp mà lãnh đạo địa phương không được biết, và cũng không đồng ý với cách thức “thu tiền trước” của người dân như vậy.
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh cũng cho biết thêm, nhiều tháng nay người dân địa phương phản ảnh thực tế nhân viên nhà máy nước không tiến hành chốt đồng hồ, chốt khối lượng nước họ sử dụng để thu tiền. Do vậy, không biết được khối lượng nước bao nhiêu để nộp tiền cho đúng, mà cũng không rõ chủ đầu tư có phương án nào để tính phí sử dụng nước cho chính xác, tránh thiệt hại cho khách hàng bởi lẽ nước sinh hoạt cũng được tính theo bậc thang, càng sử dụng nhiều thì giá thành càng cao.