Bị chặn trên nhiều dịch vụ, Cốc Cốc có động thái bảo vệ người dùng
Cốc Cốc cáo buộc Google chặn truy cập trong một số dịch vụ thông qua tác nhân người dùng - UA, gây không ít phiền nhiễu trong quá trình sử dụng. Nhằm hỗ trợ tối đa người dùng, Cốc Cốc chấp nhận 'hy sinh' đặc điểm nhận dạng, chuyển sang sử dụng UA của Google Chrome kể từ tháng 9/2021, sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và chuẩn bị cẩn thận.
Google vướng lùm xùm cạnh tranh không lành mạnh
Dù là một ông lớn trong làng công nghệ, Google liên tục vướng vào những vụ lùm xùm liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh. Cuối tháng 7, Google bị cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh của Anh vì đã tính phí quá cao (lên tới 30%) đối với gần 20 triệu khách hàng, cho các giao dịch trên Google Play Store. Mức phí ấy được cho là “quá mức và không công bằng”.
Trên sân nhà là thị trường Mỹ, Google cũng đã bị nhiều bang khởi kiện với cáo buộc thao túng thị trường, phương hại cho người dùng và đối thủ cạnh tranh.
Google bị kiện cáo ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ gặp lùm xùm trên thế giới, tại Việt Nam, Google cũng bị tố sử dụng “chiêu trò” tương tự. Cốc Cốc - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Google – cáo buộc Google chặn truy cập trong một số dịch vụ thông qua UA.
Được biết, UA là chuỗi văn bản giúp định danh trình duyệt khi kết nối với trang web.
Theo Cốc Cốc, việc chặn truy cập đã khiến người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt. Từ đó, không chỉ gây gián đoạn, phiền nhiễu trong quá trình trải nghiệm web cho người dùng, mà còn làm các tính năng hoạt động không ổn định trên Cốc Cốc, đi ngược lại tinh thần “cạnh tranh lành mạnh”.
Trình duyệt Cốc Cốc được xây dựng, phát triển trên mã nguồn Chromium tương tự như Google Chrome. Không những thế, Cốc Cốc còn tự phát triển thêm nhiều tính năng mới, được người dùng yêu thích. Đặc biệt, những tính năng ấy chỉ có riêng trên Cốc Cốc mà không có sẵn trên Chrome hay các nền tảng khác, giúp sản phẩm của Cốc Cốc tối ưu hơn so với đối thủ của mình. Phải chăng đây chính là lý do khiến Google không ngừng “làm khó dễ” Cốc Cốc?
Vì “người dùng là trên hết”, Cốc Cốc chịu hy sinh
Sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài, để ứng phó với những động thái cạnh tranh không lành mạnh từ Google, kể từ tháng 9/2021, Cốc Cốc sẽ chính thức chuyển sang sử dụng UA của Google Chrome trên nền tảng máy tính và di động.
Cốc Cốc cáo buộc các đối thủ lớn cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Theo ông Nguyễn Vũ Anh - Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc, tại Việt Nam, Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ tại thị trường nội địa có khả năng cạnh tranh với Google. Bởi vậy, Cốc Cốc luôn gặp khó khăn trong việc phát triển khi Google tận dụng lợi thế độc quyền, điển hình là sử dụng UA để chặn Cốc Cốc khỏi một số dịch vụ của họ.
“Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đội ngũ Cốc Cốc nhất trí đặt trải nghiệm của người dùng và tính ổn định cho sản phẩm lên trên nhất. Do đó, chúng tôi chấp nhận bỏ đi "đặc điểm nhận dạng" của mình - chính là thông tin về UA, chấp nhận khả năng sụt giảm trong một số công cụ thống kê và chuyển sang sử dụng chuỗi UA của Google. Việc này đã được Cốc Cốc triển khai được một thời gian và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2021”– ông chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Vũ Anh, việc thay đổi chuỗi UA chỉ liên quan đến mặt kỹ thuật, người dùng không hề bị ảnh hưởng và thậm chí còn được hưởng lợi. Về phía Cốc Cốc, sự thay đổi này được dự báo sẽ làm sụt giảm số liệu thống kê về người dùng, thị phần… trong khi số liệu thực tế không hề giảm. Bởi khi sử dụng chung mã UA, các đơn vị thống kê sẽ không thể phân biệt giữa người dùng Cốc Cốc và người dùng Google.
Chịu sụt giảm trên thống kê số liệu về người dùng và thị phần, nhưng Cốc Cốc vẫn “hy sinh”. Mục đích cuối cùng là hỗ trợ và bảo vệ người dùng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách chặn truy cập của Google.
Khi được hỏi về giải pháp cho việc tụt giảm thị phần trên số liệu, đại diện Cốc Cốc cho biết, họ sẽ nỗ lực làm việc với các đơn vị thống kê, cung cấp những số liệu tổng hợp nội bộ một cách khách quan mà không cần thông qua chuỗi UA.
Cốc Cốc không phải đơn vị đầu tiên phải đổi sang dùng UA của Google. Trước đó, trình duyệt Brave hay Vivaldi cũng có những động thái tương tự. Với phương châm “khách hàng là trên hết”, bằng những nỗ lực cải thiện chất lượng, Cốc Cốc hiện đã có trên 25 triệu người dùng và trở thành trình duyệt "Make in Vietnam" duy nhất.
Việc Cốc Cốc bắt buộc phải chuyển đổi UA để bảo vệ người dùng cũng cho thấy sự cần thiết của việc chống độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức từ cấp trung ương tới địa phương trước những “mối nguy” từ doanh nghiệp lớn của nước ngoài.