Bị chèo kéo, chen lấn khi vui chơi ở chân cầu Thủ Thiêm 2
Tình trạng hàng quán lộn xộn, chèo kéo khách, rác xả quanh khu vực chân cầu Thủ Thiêm 2 khiến Công Việt (22 tuổi) e ngại trở lại lần sau.
Từ quận Gò Vấp chạy sang cầu Thủ Thiêm 2, Công Việt và bạn dựng xe bên lề, tranh thủ chụp vài kiểu ảnh.
Đây là lần thứ 2 anh dừng chân hóng mát tại nơi này vào cuối tuần. Từ khi cầu được khánh thành, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) vào trung tâm TP.HCM, thời gian đi lại của Việt rút ngắn 5-10 phút.
Chàng trai cho biết trước đây, nếu muốn qua khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, anh phải chạy vòng xuống hầm Thủ Thiêm, mất thêm tầm 10 phút. Không chỉ di chuyển thuận tiện, nơi đây còn là điểm vui chơi mới nằm trong danh sách yêu thích của Việt.
Theo Việt, các loại hình giải trí ở TP.HCM mở ra ngày càng nhiều nhưng số lượng không đi kèm với chất lượng. Dịch vụ đắt đỏ, tăng giá, mô hình xuống cấp, nhàm chán là những nguyên nhân khiến người trẻ không còn mặn mà với các tụ điểm này.
“Đi mãi vài chỗ cũng chán nên tôi thích đến những địa điểm mới. Gần nhà tôi có công viên nhưng chủ yếu dành cho cư dân tập thể dục, khuôn viên khá nhỏ. Tôi ra đây vì thích view hướng sông, tận hưởng khung cảnh tấp nập của thành phố”, Việt bày tỏ.
Tương tự Công Việt, Đức Thuận (23 tuổi) cũng không còn thấy hứng thú với các loại hình giải trí, vui chơi lặp đi lặp lại bên trong nội thành.
Trước đây, anh và bạn bè thường hẹn nhau ăn uống rồi ghé một quán pub nghe nhạc, tán gẫu. Đây là hoạt động quen thuộc của nhóm vào mỗi cuối tuần và kéo dài suốt nhiều năm qua.
“Những tổ hợp vui chơi như Suối Tiên, Đầm Sen đã cũ kỹ. Phố đi bộ Nguyễn Huệ thì hàng rong chiếm đóng. Mỗi cuối tuần, việc đi đâu, làm gì sao cho vui vẻ, hợp túi tiền trở thành quyết khó khăn với chúng tôi”, Thuận lý giải.
Chiều 2/7, Thuận cùng bạn bè mua một con diều cỡ lớn. Thả diều là trò chơi anh mới khám phá gần đây. Mỗi cuối tuần, anh dành trọn thời gian để ngắm nhìn bầu trời đầy màu sắc cùng không gian thoáng đãng tại bãi đất trống dưới chân cầu Thủ Thiêm 2.
Trên thực tế, Thuận phải đi chặng đường khá xa để đến cầu. Nhưng theo anh, trải nghiệm này còn thú vị hơn so với việc xem phim, ngồi cà phê hoặc tham quan trong những trung tâm thương mại.
“Từ nhà tôi đến đây mất khoảng một giờ đồng hồ để di chuyển. Tuy vậy, để được thử trò chơi mới, tôi vẫn hào hứng và không thấy mệt mỏi”, anh nói.
Theo ghi nhận của Zing, chiều cuối tuần, cầu Thủ Thiêm 2 và khu vực bãi đất trống dưới chân cầu thu hút nhiều bạn trẻ, gia đình đến nghỉ chân hóng mát, đi dạo, chụp ảnh. Nơi đây cũng diễn ra nhiều bộ môn như đạp xe, thả diều, trượt ván…
Sau gần 3 tháng ra mắt, địa điểm này trở thành địa điểm tập trung mới của người trẻ. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề bất cập xuất hiện tại đây khiến trải nghiệm vui chơi không còn như kỳ vọng.
Đứng trên cầu Thủ Thiêm 2, Như Quỳnh (21 tuổi, TP Thủ Đức) cùng nhóm bạn cố gắng chụp những hình ảnh đẹp trước khi trời tắt nắng. Họ xếp 3 chiếc xe máy trải dài, nối tiếp nhau theo vỉa hè. Vừa chụp ảnh, họ vừa quan sát xe vì không có ai trông coi.
Như Quỳnh cho biết cô không tìm được bãi gửi xe, thấy phần lớn mọi người đều xếp xe như vậy nên đành làm theo.
“Chúng tôi đến cầu chủ yếu vì tò mò và mong muốn chụp ảnh check-in. Nhà khá xa, tôi không chắc mình sẽ quay lại nơi này để vui chơi”, Như Quỳnh bộc bạch.
Trong khi đó, thấy cảnh đông người tập trung ở cầu, Nhật Vy (24 tuổi, quận Gò Vấp) và Minh Cường (25 tuổi, quận 8) không dừng lại check-in mà di chuyển xuống bãi đất trống. Lần đầu tiên đến đây, cả hai lúng túng khi không tìm được nơi gửi xe công cộng ngoài chỗ giữ của các hàng quán.
Đảo vài vòng quan sát, đôi trẻ được người phụ nữ bán hàng rong đề nghị giữ giúp xe với điều kiện phải mua đồ. Hết cách, Vy và Cường đành chấp nhận.
Với giá chỉ khoảng 45.000 đồng cho hai ly nước lớn, Cường nhận xét đây là mức giá bình dân và dễ tiếp cận số đông, đặc biệt là các bạn trẻ.
Tuy nhiên, anh cũng tỏ ra nghi ngại khi hàng quán dựng dưới chân cầu, gây mất mỹ quan đô thị, cùng với hoạt động buôn bán không tổ chức khiến địa điểm vui chơi này sẽ kém hấp dẫn trong thời gian tới.
Công Việt cũng đồng tình với ý kiến trên. Bên cạnh những lợi ích, anh cho rằng nhược điểm của các khu vực công cộng là tính tự phát. Vì không có chỗ giữ xe, người dân để phương tiện ngay tại lề đường, đậu tràn ra ngoài chiếm không gian của người tham gia giao thông.
Quán ăn vặt, nước uống mọc ra lộn xộn kèm theo tình trạng xả rác tràn lan khiến nơi này trở nên bát nháo.
“Ngoài ra, tình trạng chèo kéo khách, chen lấn cũng khá phổ biến. Đây là điều tôi không hài lòng nhất và phân vân cho việc trở lại vào lần sau. Thế nhưng, bù lại giá nước, đồ ăn lại rất hợp túi tiền, dao động từ 20.000-50.000 đồng. Buổi chiều có thể ngắm thả diều, buổi tối thì nhìn đường phố lên đèn. Tôi nghĩ cần một biện pháp nào đó để giới trẻ có chỗ vui chơi mà vẫn đảm bảo an toàn”.
Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công từ năm 2015 và chính thức thông xe vào ngày 28/4. Cầu được khánh thành vào dịp cả nước chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Chân cầu Thủ Thiêm 2 phía TP Thủ Đức kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về tổng thể, công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật - được xem là điểm nhấn của cầu Thủ Thiêm 2 đến nay vẫn chưa được triển khai.
Cầu Thủ Thiêm 2 được mong đợi đem lại diện mạo mới cho hai khu trung tâm sầm uất của thành phố. Công trình còn kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố.