Bị chỉ trích bênh 'dì ghẻ' đánh bé 8 tuổi tới chết, chuyên gia giáo dục nói gì?
'Tôi không bênh vực thủ phạm, nói thế là không đúng. Tôi thương và tiếc cho sự sai lầm của cô gái và bố mẹ họ, chứ không phải tôi thương khi họ phải trả giá vì sai lầm của mình', bà Tô Thụy Diễm Quyên nói.
Sau vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị bạn gái của bố bạo hành tới chết, nhiều người đã chia sẻ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội những ngày qua.
Trong số nhiều ý kiến được đưa ra, bài viết của bà Tô Thụy Diễm Quyên - một chuyên gia giáo dục của Microsoft ở TP.HCM đã gây tranh cãi trên cộng đồng mạng.
Nhiều người cho rằng bà Quyên đang bênh vực cho thủ phạm, rằng cô gái thiếu nhân tính chứ không phải thiếu kỹ năng như quan điểm của bà. Một số khác cho rằng, một cô gái 26 tuổi phải chịu trách nhiệm về hành động của bản thân, chứ không đáng để “thương tiếc” như cách nghĩ của bà Quyên.
Trước những chỉ trích này, bà Quyên đã ẩn đi bài viết chia sẻ, đồng thời có những phản hồi ngay ngày hôm sau: “Hôm qua tôi có lý giải về hành vi của cô "dì ghẻ" đứng ở góc độ tâm lý của hành vi khi bị thiếu kỹ năng kiểm soát. Tuy nhiên có người chụp lại phần đầu của bài viết để xuyên tạc là tôi bênh vực cô ta. Nếu ai bị người này giựt dây để tức giận thì tôi xin lỗi đã không để bài cho các bạn xem đầy đủ.
Là người thường xuyên chứng kiến bạo lực gia đình nên tôi thấu hiểu cả người đánh lẫn bị đánh. Tôi không hề bênh vực cô "dì ghẻ" và không hề muốn cô thoát tội như ai đó đã bịa chuyện. Tôi sẽ nhờ luật pháp can thiệp để tìm ra người cố tình bịa chuyện lôi kéo người tấn công tôi.
Xin cám ơn những người đã đọc đủ nội dung bài viết và hiểu rằng bài viết của tôi chỉ bàn về việc vì sao cha mẹ đánh con”.
Chia sẻ cụ thể hơn với báo VietNamNet, bà Quyên cho biết, những người chỉ trích bà trên mạng xã hội chỉ cắt một phần bài viết của bà rồi đưa lên, tìm sự hưởng ứng của cộng đồng mạng. “Nó chưa phản ánh đúng những gì tôi muốn nói và chỉ là một nửa sự thật”.
“Trong số những chỉ trích ý kiến của tôi có hai luồng: một luồng phản biện theo hướng tấn công nặng nề, thô tục; một luồng khác phản biện tử tế và văn minh. Có những người nhắn tin rất đàng hoàng cho tôi, chia sẻ ý kiến là họ không đồng ý với quan điểm của tôi. Tôi chỉ lựa chọn những người này để trả lời. Còn những người chỉ trích cá nhân và không có tính xây dựng, tôi không muốn đón nhận những ý kiến đó”.
Về quan điểm đã chia sẻ trên Facebook gây tranh cãi những ngày qua, bà Quyên cho biết, ý kiến của bà gồm mấy ý như sau: “Thứ nhất, tôi muốn nói, từ câu chuyện này, chúng ta thấy nhiều cha mẹ còn thiếu các kỹ năng nuôi dạy con. Họ có những hành động như áp đặt con cái và đánh con. Việc cha mẹ đánh con tôi từng chứng kiến rất nhiều. Ở câu chuyện này, tôi cho rằng cô bạn gái của ông bố đang cho là mình làm đúng. Và vì thiếu kỹ năng nuôi dạy trẻ nên cô ấy không biết cách dạy nào khác”.
“Tôi thừa nhận việc cô ấy có tính ác trong người, bởi vì hành động đó đã lặp lại nhiều lần, chứ không phải bột phát chỉ một lần. Nhưng một số người cho rằng tôi bênh vực cô ấy thì không phải. Tôi không bênh vực, điều đó là không đúng. Tôi chỉ nói rằng nếu như cô ấy được giáo dục tử tế trong gia đình thì sẽ không có kết cục như vậy. Một con hổ hoang dã còn có thể thuần hóa được, huống chi là con người. Nếu cô ấy được dạy rằng đánh đập không phải là cách dạy con thì cô ấy sẽ không chọn ứng xử như vậy với đứa trẻ”.
Theo bà Quyên, bản năng của con người có xấu có tốt nên con người mới cần được giáo dục và trong câu chuyện cụ thể này, cô gái cần có kỹ năng để hành xử đúng.
“Ý thứ hai của tôi là bày tỏ sự thương cảm cho bố mẹ cô ấy. Bạn thử tưởng tượng xem, nếu một người đang là tâm điểm chỉ trích, lên án của cả xã hội thì bố mẹ của người đó có đáng thương không? Tôi thương và tiếc cho sự sai lầm của cô gái và bố mẹ họ, chứ không phải tôi thương khi họ phải trả giá vì sai lầm của mình”.
Bà Quyên chia sẻ rằng, cũng giống như trước kia, khi cả xã hội phẫn nộ với vụ án giết cả gia đình ở Bình Dương, bà cũng từng bày tỏ sự tiếc nuối cho thủ phạm vì đã không được giáo dục, hoặc giáo dục sai cách, dẫn đến thiếu kiểm soát hành vi.
“Thông điệp tôi muốn gửi gắm ở đây là câu chuyện giáo dục. Nhưng nhiều người đã suy diễn và chỉ trích tôi nói vậy là có lỗi với đứa bé, là không có tình thương người bởi vì họ quá phẫn nộ trước hành động của cô bạn gái.
Tôi khẳng định 100% những người nói vậy không phải là những người quen biết tôi hay đã theo dõi những gì tôi làm và nói trên Facebook trong thời gian dài. Bởi vì nếu đã biết tôi thì sẽ hiểu tôi là người như thế nào và mong muốn có những tác động xã hội tích cực như thế nào. Tóm lại, phần chia sẻ của tôi trên Facebook cá nhân chỉ với mong muốn các bậc phụ huynh nhìn lại cách ứng xử của chúng ta với con cái, bởi vì tôi tin rằng mọi sự đều bắt nguồn từ giáo dục”.
Ý thứ 3 mà bà Quyên muốn chia sẻ trong vụ việc này nói riêng và nhiều vụ việc khác nói chung, đó là “chúng ta đừng đòi chém giết thủ phạm, hãy để pháp luật quyết định việc đó. Chúng ta có quyền bức xúc nhưng không có quyền phán tội chết cho bất cứ ai. Nếu bạn đòi giết ai đó vì cho rằng họ có tội thì bạn cũng giống cô dì ghẻ đánh bé vì cho rằng bé cần phải bị đánh để ngoan hơn”.
Chia sẻ thêm về việc bị “ném đá” những ngày qua, bà Quyên nói, “có những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội và sự dẫn dắt của họ thật kinh khủng. Những ngày qua, nhiều người liên tục nhắn tin tấn công tôi, thậm chí là cả lúc 2h sáng. Tôi cho rằng, dù ý kiến của tôi có đi ngược chiều với họ thì họ cũng không có quyền đòi tẩy chay, chém giết. Nếu họ làm vậy thì có khác gì cô gái kia – không cho phép ai trái ý và đi ngược lại với mình. Còn với những người phản biện văn minh, tôi vẫn trao đổi lại trên tinh thần xây dựng và có những cuộc tranh luận đã dẫn đến sự đồng thuận và hiểu nhau hơn”.
Với sự cho phép của bà Tô Thụy Diễm Quyên, báo VietNamNet đăng lại toàn bộ chia sẻ gây tranh cãi của bà (hiện tại đã được ẩn trên trang cá nhân của bà Quyên):
Trong cơn cuồng nộ của xã hội đòi tử hình "dì ghẻ", tôi chợt thấy thương lẫn trách cha mẹ của cô ấy. Cô sinh năm 95 bằng tuổi con trai lớn của tôi. Ở tuổi này làm gì đã biết dạy con mà lại phải nuôi dạy đứa bé không phải là con ruột mình? Chính vì áp lực ấy cô lúc nào cũng như lên cơn điên với em bé. Khi hành xử trong cơn điên người ta không thể kiểm soát được hành vi. Cô "dì ghẻ" không hề nghĩ mình đang làm sai mà chỉ vì cô ấy thiếu kỹ năng giáo dục trẻ và đang nghĩ mình làm đúng.
Cô cũng giống như nhiều cha mẹ ruột khác từng cho rằng phải đánh trẻ thì mới dạy được con. Trong lúc đánh bé cô như một con thú. Đây là trạng thái mất kiểm soát của nhiều người lớn khi đánh con mình.
Tôi nhiều lần chứng kiến những ông bố vác dao, gậy, thắt lưng rượt theo đánh con. Có lần đứa bé chạy vào trường để trốn cha vì nhà học sinh tôi gần trường. Ông bố rượt theo và bị bảo vệ cản vì lúc ấy ông sẵn sàng giết con mình. Tôi thấy tiếc cho cuộc đời một cô gái xinh đẹp nhưng thiếu kiểm soát hành vi bản thân.
Hồi xưa còn trẻ khi chưa cưới, ông chồng tôi bây giờ rất hay chở tôi về nhà em gái, nhà cậu mợ chơi. Vì chưa đám cưới nên ăn cơm xong tôi chỉ phụ dọn chứ không rửa bát. Sau này cưới xong tôi mới phụ rửa bát. Được giáo dục rằng làm con gái phải cưới hỏi tử tế mới đến nhà trai làm dâu.
Vì thế khi thấy cô "dì ghẻ" chưa cưới mà phải làm vợ làm mẹ tôi thấy vấn đề còn nằm ở giáo dục của gia đình cô. Giá như mẹ ruột cô ấy đến nhà con gái chơi thường xuyên để ngăn cản hoặc hướng dẫn con gái mình cách nuôi con người. Giá như bố cô ấy giữ gìn nhân phẩm con gái để không cho con dính líu với gã có vợ con rồi ở chung mà chưa cưới. Giá như cô gái ấy trân trọng bản thân mình để lựa chọn một cuộc đời tử tế và chỉ phải nuôi dạy chính con mình trong hạnh phúc. Giá như mẹ ruột bé An lo lắng rằng cô kia còn trẻ quá không biết dạy con mình. Giá như cả gia đình bên nội và ngoại theo dõi sát sao cháu mình.
Ừ mà cũng lạ, sao họ lại đặt niềm tin vào một cô gái mới lớn chỉ quen ăn chơi và không có kỹ năng sống như thế nhỉ? Lỗi, lại thuộc về giáo dục. Hàng triệu phụ huynh không biết cách nuôi dạy con nhưng vẫn vô tư lập gia đình và sinh con. Biết bao hệ lụy sẽ còn diễn ra vì sự thiếu hiểu biết của phụ huynh khi mà họ vẫn chỉ tập trung cho con học mà không biết con cần nhiều hơn thế.
Câu chuyện này là lỗi của rất nhiều người chứ không chỉ ở cha mẹ và dì ghẻ của cô bé nữa. Nếu bạn bình tâm suy nghĩ, hãy để cho luật pháp làm việc. Bạn có quyền bức xúc nhưng bạn không có quyền phán tội chết cho bất cứ ai. Nếu bạn đòi giết ai đó vì cho rằng họ có tội thì bạn cũng giống cô dì ghẻ đánh bé vì cho rằng bé cần phải bị đánh để ngoan hơn. Không ai có quyền quyết định cuộc đời ai cả ngoài cuộc đời của chính mình. Xã hội thật bạo lực khi mà mọi người đều biến thành quan tòa: ùn ùn đòi tử hình người khác. Điều đó chỉ nên thuộc về luật pháp! --- Tôi không để hình bất kỳ ai ở đây để minh họa cũng vì lý do: tôi không có quyền!