Bị chửi là 'điên' khi có ý định hiến tạng

Hãy dành tặng cuộc đời những điều tốt đẹp, dù cho chúng ta không còn hiện hữu trên thế giới này. Đôi khi, một cuộc sống mới lại được bắt đầu từ lời vĩnh biệt.

Mới đây, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace phối hợp với Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, tổ chức buổi tọa đàm “Khi trái tim còn đập- Chuyện hiến tạng: Khi hạnh phúc là cho đi” để giới thiệu về cuốn tiểu thuyết Khi trái tim còn đập của nữ nhà văn người Pháp Maylis de Kerangal.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Di Li và Ông Nguyễn Hoàng Phúc- Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Bên cạnh những chia sẻ về cuốn tiểu thuyết bằng cái nhìn dành cho một tác phẩm văn chương, các diễn giả đã có những chia sẻ rất chân thành về câu chuyện ghép tạng, một nghĩa cử cao đẹp mà nhiều người đã làm để mang đến hạnh phúc cho một ai đó đang nguy kịch trong cơn bạo bệnh.

Hãy ban tặng hạnh phúc ngay cả khi bạn đã về bên kia thế giới

Khi trái tim còn đập là cuốn tiểu thuyết kể về hành trình hiến tặng trái tim của một chàng trai 19 tuổi. Simon Limbres gặp tai nạn trên đường trở về nhà sau một lần đi lướt sóng vào sáng sớm. Cậu được chẩn đoán đã chết não, nhưng trái tim vẫn còn đập. Các nhân viên y tế đã thuyết phục bố mẹ cậu cho phép hiến tạng. Và rồi trái tim trẻ trung đầy nhiệt huyết của Simon đã hồi sinh trong lồng ngực của bà Claire, một người phụ nữ đã nhiều năm sống khổ sở với trái tim bệnh tật.

 Các diễn giả trong buổi tọa đàm, từ trái sang: Ông Nguyễn Hoàng Phúc, nhà văn Di Li và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm, từ trái sang: Ông Nguyễn Hoàng Phúc, nhà văn Di Li và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Cuốn tiểu thuyết này đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín của Pháp như:Giải thưởng lớn RTL-Lire, giải Tiểu thuyết hay nhất do tạp chí Lire bình chọn; Giải thưởng Văn hóa Pháp - Telerama, giải Cuốn sách được các du khách yêu quý nhất, và một số giải thưởng khác. Năm 2016, cuốn sách đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, và được đề cử cho Giải thưởng Kịch bản phim xuất sắc tại César Awards.

Theo như ông Nguyễn Hoàng Phúc, người đã trực tiếp chứng kiến việc ghép tim, tác phẩm này đã chạm đến cảm xúc một cách chân thực và rất sống động. Giây phút đợi chờ trái tim đập lại trong lồng ngực mới, cả phòng mổ đều lặng đi, không có một tiếng động. Thành công của ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ đều phụ thuộc vào giây phút này. Khi trái tim bắt đầu những nhịp đập đầu tiên, người ta cảm giác như vừa đón một sinh linh bé bỏng chào đời.

Bị chửi là “điên” khi có ý định hiến tạng

Cuốn tiểu thuyết này đã đề cập với một vấn đề còn nhiều nghi ngại trong xã hội, đó là chuyện hiến mô tạng. Với nền y học phát triển hiện nay, thì việc ghép mô tạng không còn là điều quá xa lạ. Nếu có dịp đến các bệnh viện lớn, chúng ta sẽ thấy một thực tế rằng: Danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng là một con số khổng lồ, trong khi đó danh sách người đăng kí hiến mô tạng lại là một con số rất khiêm tốn. Việc hiến tặng mô tạng sau khi chết vẫn còn là điều xa lạ với người Việt Nam.

 Tiểu thuyết Khi trái tim còn đập.

Tiểu thuyết Khi trái tim còn đập.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc đã có những chia sẻ rất cảm động: Mỗi lần chứng kiến việc hiến tạng, chúng tôi đều được thấy, được nghe những câu chuyện hết sức cảm động. Đó là chuyện của mẹ bé Hải An, người mẹ đã quyết định hiến tặng giác mạc của con gái để mang lại ánh sáng cho hai bệnh nhân khác. Sau khi một cựu chiến binh qua đời vì tai biến, người thân của ông đã quyết định hiến tặng trái tim cho một bệnh nhân đang nguy kịch. Cháu của người cựu chiến binh kể rằng: Đây là lần đầu tiên cậu mình được đi máy bay. Một chuyến đi cảm động mà người ta không thể nào quên.

Người đủ 18 tuổi, có thể đăng kí hiến tạng, nhưng câu chuyện “cho” và “nhận” một bộ phận cơ thể không hề đơn giản như vậy. Nếu người thân không ai biết bạn đã đăng kí hiến tạng, thì việc cho tạng sau khi qua đời cũng khó thực hiện được. Đó là còn chưa kể đến những người chưa đăng kí hiến mô tạng khi còn sống, nhưng lại đủ điều kiện hiến tạng khi qua đời. Nếu một người ra đi đột ngột, người thân của họ đang đau đớn tột cùng thì làm sao nghĩ đến chuyện hiến tạng. Lúc đó, nếu được các bác sĩ hỏi: “Gia đình có muốn hiến tạng của bệnh nhân không?” nhiều người đã có những phản ứng rất dữ dội.

 Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đăng kí hiến tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Plo.vn

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đăng kí hiến tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Plo.vn

Cách đây 10 năm, nhà văn Di Li đã làm đơn đăng kí hiến tạng. Nhưng khi chị chia sẻ thông tin này với bạn bè, nhiều người đều tỏ thái độ ngạc nhiên, số khác thì im lặng. Bởi phần đông trong số họ đều cho đây là một việc làm không bình thường. Đến tận bây giờ, bố mẹ của nữ nhà văn vẫn cảm thấy không thoải mái khi con gái nhắc tới việc đã đăng kí hiến tạng. Mọi người đều tìm cách gạt nó đi và cho rằng đó là một suy nghĩ không may mắn, thậm chí là tiêu cực.

Lúc mới đăng kí hiến tạng, nhà văn Di Li rất ngần ngại khi chia sẻ với mọi người chuyện này. Chị sợ nhiều người nghĩ rằng chị đang PR tên tuổi. Sau đó, tác giả của Câu lạc bộ số 7 mới thấy mình đã sai. Nếu không chia sẻ cho mọi người, thì không ai biết để giúp chị thực hiện tâm nguyện sau khi qua đời. Biết đâu, sau khi kể ra câu chuyện của mình, có những người sẽ làm đơn đăng kí hiến tạng để dành tặng món quà đầy yêu thương cho người khác.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng: Thái độ của bạn bè hay người thân của Di Li đã là khá nhã nhặn. Nhiều người còn bị chửi là “đồ điên” khi đang khỏe mạnh mà lại đi đăng kí hiến tạng. Phần lớn trong xã hội vẫn coi đó là một việc làm bất bình thường. Những ảnh hưởng từ tôn giáo và tín ngưỡng cũng khiến nhiều người ngần ngại.

Sinh mạng là một món quà vô giá. Bởi thế, việc hiến mô tạng là cách để bạn trao đi món quà đầy yêu thương đến một ai đó đang khát khao sự sống. Đó chính là thông điệp cao cả mà tác phẩm này muốn gửi đến bạn đọc.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bi-chui-la-dien-khi-co-y-dinh-hien-tang-post1021114.html