Bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông cầm bật lửa và rút ống xăng xe
Khi bị cán bộ Cục CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông đi xe máy cầm bật lửa và rút ống xăng xe máy gây áp lực.
Tối 5-10, tổ công tác của Cục CSGT (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) kiểm tra nồng độ cồn lái xe ô tô và xe máy khu vực nội ô TP.Mỹ Tho.
Theo ghi nhận, hầu hết tài xế và lái xe máy vui vẻ chấp hành khi được cán bộ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Sau hơn 2 tiếng kiểm tra ô tô và xe máy thì tổ công tác đã phát hiện và lập biên bản xử lý nhiều người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Cá biệt có một người đàn ông khoảng 50 tuổi điều khiển xe máy mang BS: 63X4-6439 lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo dừng chờ đèn đỏ, bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Khi dắt xe máy vào lề, người đàn ông này bất ngờ cầm bật lửa và ngồi xuống rút ống xăng của xe máy làm xăng chảy tràn xuống đường để gây áp lực với tổ công tác và cho rằng chỉ uống có vài ly mà "làm dữ vậy".
Phát hiện sự việc tổ công tác nhanh chóng khống chế người đàn ông và tước bật lửa. Sau một hồi vòng vo yêu cầu kiểm tra tem kiểm định của máy đo nồng độ cồn và được tổ công tác giải thích thì người đàn ông mới chấp hành.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn người đàn ông này vi phạm ở mức 0,689mg/L khí thở. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe của người đàn ông này.
Đến hơn 21 giờ cùng ngày, có một tài xế lớn tuổi điều khiển xe ô tô 4 chỗ lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt dừng chờ đèn đỏ bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra cho thấy người đàn ông này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,262mg/L khí thở. Sau đó người đàn ông này bị tổ công tác lập biên bản vi phạm, đồng thời tạm giữ xe ô tô 4 chỗ. Người này cho biết đi ăn đám giỗ về có uống rượu bia, mặc dù vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,262mg/L nhưng không xỉn, vẫn còn lái xe được.
Một thành viên tổ công tác của Cục CSGT cho biết mặc dù thời gian qua các địa phương đã ra quân xử lý quyết liệt và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển xe ô tô và xe máy, trong đó có cả cán bộ, công nhân viên chức vi phạm. Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chủ quan điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.