Bị 'đắp chiếu', siêu dự án chống ngập ở TPHCM thiệt hại hơn 45 tỷ đồng
Theo nhà đầu tư, tổng thiệt hại của siêu dự án chống ngập đã lên tới hơn 45 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại về chi phí nhân công, thiết bị, quản lý chờ việc của các nhà thầu; chi phí điều tiết giao thông thủy, hàng hải; chi phí phát sinh lãi vay vốn huy động trong quá trình thi công…
Sáng 13/1, đại diện công ty Trung Nam 1547 (nhà đầu tư) cho biết vừa có văn bản báo cáo lãnh đạo TPHCM về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1".
Theo đó, nhà đầu tư kiến nghị lãnh đạo TPHCM sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để thống nhất việc hoàn trả nợ và gia hạn thời gian giải ngân, đồng thời sớm sắp xếp lịch họp với cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhà đầu tư nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc để dự án có thể tiếp tục được triển khai trở lại.
Nhà đầu tư cũng đề nghị UBND TPHCM đăng ký vốn nhằm đảm bảo kế hoạch hoàn trả nợ cho BIDV và NHNN Việt Nam.
Theo đại diện nhà đầu tư, phụ lục hợp đồng BT số 4769/2019/PL-UBND ngày 18/11/2019 giữa UBND TPHCM và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết hạn vào ngày 26/6/2020 nhưng đến nay UBND TPHCM vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.
Đại diện nhà đầu tư cho rằng do thời gian thực hiện dự án đã hết hạn nên không có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án. Việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án và dự án không thể tiếp tục triển khai nhà đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm vì lỗi này không xuất phát từ nhà đầu tư.
“Tại cuộc họp ngày 3/12/2020, UBND TPHCM có chỉ đạo không dừng dự án nhưng khi phụ lục hợp đồng BT chưa được ký chúng tôi không biết sẽ triển khai dự án bằng cơ sở pháp lý nào. Nhà đầu tư rất lúng túng. Mỗi ngày trôi qua,thiệt hại do việc châm ký phụ lục hợp đồng BT và việc chậm bố trí vốn thanh toán cho NHNN là rất lớn”, đại diện nhà đầu tư giãi bày.
Theo đại diện nhà đầu tư, bị dừng thi công, tổng thiệt hại của dự án đến nay đã lên tới hơn 45 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về chi phí nhân công, thiết bị, quản lý chờ việc của các nhà thầu là hơn 18 tỷ đồng; thiệt hại do chi phí điều tiết giao thông thủy và giao thông hàng hải hơn 4 tỷ đồng; chi phí phát sinh lãi vay vốn huy động trong quá trình thi công do ngừng thi công là hơn 21 tỷ đồng…
Để giải quyết khó khăn vướng mắc của dự án doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư đã đề nghị UBND TPHCM sớm đăng ký làm việc với NHNN Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc để dự án tiếp tục được triển khai thực hiện nhằm có thể hoàn thành dự án an sinh này cho người dân TPHCM.
Báo cáo với lãnh đạo TPHCM, nhà đầu tư dự án kiểm soát triều cho hay BIDV đã có văn bản đề nghị thanh toán nợ đến hạn cho khoản vay gần 2.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Thành phố vẫn chưa bố trí vốn để hoàn trả.
Liên quan đến dự án trên, mới đây, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã có thông báo ý kiến kết luận của Thường trực Thành ủy. Theo đó, Thường trực Thành ủy đánh giá Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM triển khai các ý kiến chỉ đạo về dự án này chưa đảm bảo yêu cầu tiến độ theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại hội nghị diễn ra hôm 4/11/2020.
Thường trực Thành ủy giao Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM hoàn thiện văn bản báo cáo ngay với Bộ KHĐT nêu rõ các vấn đề khó khăn vướng mắc và đề xuất quan điểm, phương án xử lý của thành phố để có cơ sở tham mưu và báo cáo Thủ tướng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thường trực Thành ủy lưu ý UBND TPHCM trong quá trình triển khai,phải có thứ tự ưu tiên, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Dự án Kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm TPHCM, đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị, hỗ trợ lưu trữ nước mưa khi có mưa kết hợp triều cường và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.