Bị đe dọa, quấy rối vì món nợ 'từ trời rơi xuống'

Mặc dù không vay tiền của bất kỳ ai nhưng nhiều người vẫn bị gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, uy hiếp nhiều kiểu để đòi nợ.

Thời gian vừa qua, một số bạn đọc ở TP.HCM, Đồng Nai đã phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM thông tin về việc thường xuyên bị quấy rối, đe dọa bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, nhắn tin, đưa hình ảnh cá nhân lên mạng… chỉ vì những món nợ “từ trên trời rơi xuống”.

 Chị Nguyễn Thu Hiền bức xúc vì bị đưa hình ảnh lên mạng với nội dung mua bán dâm. Ảnh: VÕ TÙNG

Chị Nguyễn Thu Hiền bức xúc vì bị đưa hình ảnh lên mạng với nội dung mua bán dâm. Ảnh: VÕ TÙNG

Gia đình bị quấy rối, ép cô giáo đuổi học sinh

Anh Nguyễn Thanh T ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, giám đốc một công ty, cho biết thời gian qua anh, người thân trong gia đình và bạn bè đã nhận hàng trăm cuộc gọi từ các số điện thoại lạ gọi đến đòi nợ, quấy rối, mặc dù anh không vay mượn tiền ai. Anh T hỏi ra mới biết các cuộc gọi đến yêu cầu anh trả khoản vay của một ngân hàng, do chồng của một nhân viên trong công ty anh vay.

Theo anh T, anh tá hỏa khi nghe nội dung đòi nợ vô lý như vậy. Và khi anh hỏi người gọi đến đòi nợ là ai vay, vay bao nhiêu tiền thì đầu dây bên kia không trả lời, chỉ nói hãy trả nợ cho nhân viên. Không chỉ có anh, mẹ anh đã 71 tuổi cũng bị gọi đòi nợ.

“Không chỉ có mẹ tôi bị quấy rối mà nhiều bạn bè của tôi cũng bị gọi quấy rối tương tự. Không hiểu sao nhóm người này lại có được số điện thoại của tôi và mọi người liên quan đến tôi để gọi” - anh T bức xúc nói.

Khổ sở hơn là trường hợp vợ chồng anh TĐTh ở TP Biên Hòa, Đồng Nai còn bị những người đòi nợ đưa hình ảnh cá nhân lên mạng để bêu xấu. Anh Th cho biết anh là giám đốc của một công ty có hơn 400 công nhân. Việc bị đưa hình ảnh cá nhân mang tính xúc phạm, bôi nhọ, vu khống lên mạng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến gia đình cũng như việc kinh doanh của anh.

Cụ thể, những người tự xưng là nhân viên thu hồi nợ đã đưa hình ảnh của anh Th và con gái lên mạng, quy chụp anh là đồng phạm, tiếp tay cho hai công nhân của công ty anh vay tiền, quỵt nợ. Đáng nói hơn là nhóm người này đã đưa hình ảnh của vợ anh là chị Nguyễn Thu Hiền lên các trang mạng với nội dung rao bán dâm.

“Tôi rất mong cơ quan chức năng sớm dẹp tình trạng tín dụng đen, vay qua app để không còn những tình trạng éo le như gia đình tôi” - anh Th nói.

Trường hợp của chị TDTL cũng éo le không kém. Chị là giáo viên một trường THCS tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, chị cho biết thường xuyên nhận nhiều cuộc gọi từ số điện thoại lạ.

Theo chị L, cuộc gọi có nội dung đe dọa, buộc chị với tư cách là giáo viên chủ nhiệm phải ép học sinh của mình nghỉ học vì cha mẹ học sinh nợ tiền của họ. Mặc dù chị L đã trao đổi với phụ huynh học sinh và xác nhận không có việc phụ huynh này nợ tiền nhưng người gọi điện thoại đến tiếp tục làm phiền, đe dọa, thúc ép chị.

Đáng nói hơn, số điện thoại nói trên đã gọi cho hiệu trưởng trường nơi cô L đang công tác, nói cô L nợ tiền và yêu cầu hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, ép cô L phải trả tiền.

Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất.

Cách xử lý khi bị đòi nợ, mặc dù không vay tiền

Theo khuyến cáo của cơ quan công an, người dân có thể áp dụng một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện thoại, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền.

Trước hết, người dân cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).

Tiếp đó, thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện thoại, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên.

Người dân có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời; tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện thoại đòi nợ như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.•

Vu khống, làm nhục người khác coi chừng đi tù

Người cố ý đưa hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không được sự đồng ý của họ với mục đích cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của họ là vi phạm pháp luật.

Hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS.

Hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Nếu sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù 1-3 năm.

ThS TRẦN HẢI ANH, giảng viên Học viện Tư pháp TP.HCM

SANG - TÙNG - PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-de-doa-quay-roi-vi-mon-no-tu-troi-roi-xuong-post698293.html