Bị đồng minh chất vấn, Mỹ quyết điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật về quốc phòng
Bị nhiều đồng minh dồn dập hỏi về tài liệu được cho là 'mật và tuyệt mật' của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ trên mạng, Mỹ hôm qua chính thức lên tiếng trấn an đồng minh, đồng thời tuyên bố quyết tìm ra nguồn gốc vụ việc.
Vụ tài liệu được cho là “mật và tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ đang chấn động mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu, Trung Đông và châu Á. Những thông tin từ các cuộc họp kín, những văn bản chứng tỏ Mỹ đã theo dõi đồng minh, hay những thông tin tình báo được các nước chia sẻ với Mỹ bị rò rỉ, cùng thông tin quân sự nhạy cảm của cuộc xung đột Ukraine bị tiết lộ,… khiến các nước đồng minh phải yêu cầu Mỹ một lời giải thích.
Theo tờ Politico, các thành viên trong liên minh tình báo Ngũ nhãn - gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand, đã yêu cầu Mỹ báo cáo về tình hình. Trong khi đó, các chính trị gia ở nhiều quốc gia đã đặt câu hỏi về lý do vì sao các tài liệu mật đó lại bị công khai trên mạng internet, ai chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ, hay Mỹ có biện pháp gì để xóa tài liệu khỏi không gian mạng cũng như giải pháp tăng cường bảo mật thông tin sau vụ việc này hay chưa.
Tướng Angus Campbell, người đứng đầu lực lượng quốc phòng Australia cho biết: “Vấn đề duy trì an ninh thông tin là rất quan trọng đối với sự phát triển năng lực quốc gia cũng như đối với niềm tin và sự tin tưởng giữa các đồng minh và đối tác. Đây là một vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng.”
Trả lời những câu hỏi này, từ Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chính thức lên tiếng rằng về các tài liệu xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày 28/2 và 1/3, nhưng đến tận ngày 6/4 ông mới được thông báo về vụ việc.
Sau đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gấp rút điều tra vụ việc, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp cùng các quốc gia đồng minh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình. Không gì có thể ngăn cản chúng tôi đảm bảo an toàn cho nước Mỹ. Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra cũng như lật tung mọi ngóc ngách cho đến khi tìm ra nguồn gốc của vụ việc”.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cập nhật thông tin rằng các cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp Mỹ về vụ việc đang “khá căng thẳng”, song không nêu thêm chi tiết. Hôm qua, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ (giấu tên) cho biết, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách tình báo và an ninh - bà Milancy Harris đang dẫn đầu cuộc điều tra của Lầu Năm Góc về tác động của vụ rò rỉ.
Đây có thể là vụ rò rỉ thông tin gây thiệt hại nặng nề nhất cho chính phủ Mỹ kể từ khi WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu về công cụ theo dõi của CIA vào năm 2013. Một số chuyên gia an ninh quốc gia và quan chức Mỹ nghi ngờ người tiết lộ thông tin có thể là công dân Mỹ.
Đến nay, Mỹ vẫn chưa khẳng định, hay phủ nhận hoàn toàn về tính chính xác của các tài liệu bị rò rỉ. Tuy nhiên, hôm qua, đồng minh Hàn Quốc của Mỹ tại châu Á cho rằng, một số thông tin liên quan đến Hàn Quốc đã bị thay đổi và sai sự thật.
Sau đó cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng tổng thống Nga (điện Kremlin) ông Dmitry Peskov cũng lên tiếng bác bỏ thông tin từ tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ về việc Ai Cập đang ngầm sản xuất 40.000 tên lửa cho Nga được đăng tải trên tờ Washington Post. Theo Nga, thông tin Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chỉ đạo sản xuất 40.000 tên lửa cho Nga vào tháng 2 và chỉ thị cho các quan chức giữ bí mật việc sản xuất và vận chuyển tên lửa để tránh gây rắc rối với phương Tây là một “câu chuyện sai sự thật” nữa mà Nga đang phải xử lý rất nhiều trong thời gian gần đây./.