Bị dư luận phản đối gay gắt, cha đẻ bộ 'Chữ Việt Nam song song 4.0' nói gì?

'Đơn thuần đó chỉ là công cụ viết tắt, bổ trợ cho chữ Quốc ngữ không hơn, không kém, mọi người đang hiểu sai về mục đích của tôi và ông Trần Tư Bình'.

Đó là trần tình của ông Kiểu Trường Lâm (34 tuổi), một trong hai tác giả bộ “Chữ Việt Nam song song 4.0" với VTC News sau khi nhận nhiều ý kiến phản đối gay gắt của số đông công chúng.

Bộ chữ là sự kết hợp từ hai công trình Chữ Việt nhanh và Ký hiệu dấu của Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, vừa nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Bộ chữ chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ so với chữ Quốc ngữ.

Ngay khi công bố, một số cho rằng sáng tạo một hệ thống ký âm Tiếng Việt mới là chuyện bình thường và nó hoàn toàn độc lập, không làm biến dạng hay thay thế gì được tới Tiếng Việt. Vì chữ viết Việt và tiếng nói Việt (gọi tắt là tiếng Việt) hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, lại có người phản đối gay gắt, mỉa mai, họ nói không nên làm phức tạp, rắc rối thêm chữ viết Việt. Thậm chí cũng có bình luận nói đó là kiểu chữ viết “què quoặt”.

 Ông Kiều Trường Lâm, đồng tác giả bộ "Chữ Việt Nam song song 4.0"

Ông Kiều Trường Lâm, đồng tác giả bộ "Chữ Việt Nam song song 4.0"

"Chỉ là công cụ hỗ trợ"

Chia sẻ với phóng viên, ông Kiều Trường Lâm cho biết, từ nhỏ ông đam mê về ngôn ngữ học. Ông thường tự học, tự đọc các tài liệu liên quan đến chữ Quốc ngữ, âm, vần, ngữ pháp.

Với ông, chữ Quốc ngữ là ngôn ngữ hay, có giá trị sử dụng cao trong đời sống, đi sâu vào tâm thức của mỗi người và nó đang lưu giữ giá trị lịch sử hàng thế kỷ của Việt Nam ta. Ngôn ngữ đó không thể thay đổi và ông cũng không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ mà chỉ đưa ra những cải tiến ở dạng viết tắt không dấu.

"Bộ chữ viết này chỉ như một sự lựa chọn cho những mục đích rất cụ thể, như tốc ký hay bảo mật, hoặc có thể coi là một thứ bài tập để dạy về tín hiệu học, về ký tự công nghệ thông tin", ông Lâm nói.

'Chữ Việt Nam song song 4.0' chỉ như bộ gõ tắt được thống nhất về ký tự và cách viết, không làm thay đổi chữ Quốc ngữ.

Tác giả Kiều Trường Lâm

Giải thích thêm về công trình nghiên cứu, ông Kiều Trường Lâm chia sẻ, ngay từ cái tên “Chữ Việt Nam song song 4.0” đã nói lên một phần mục tiêu, là có thể sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.

“Đơn thuần đó chỉ là công cụ viết tắt, bổ trợ cho chữ Quốc ngữ không hơn, không kém. Mọi người đang hiểu sai về mong muốn này của tôi và ông Trần Tư Bình”.

Từng có vô vàn câu chuyện giới trẻ nhắn tin không dấu, gây hiểu lầm tệ hại. Bởi mỗi người đang tự sáng tạo ra một kiểu viết tắt riêng, chưa có sự thống nhất nên dễ gây hiểu sai ý diễn đạt của nhau.

Chữ Việt song song ra đời để khắc phục nhược điểm này, nó chỉ như bộ gõ tắt được thống nhất về kí tự và cách viết. Điều đó giúp chúng ta dễ dàng hiểu nhanh các câu chuyện trao đổi trong giao tiếp, và không ảnh hưởng đến việc sử dụng chữ Quốc ngữ.

Tác giả Kiều Trường Lâm kỳ vọng bộ chữ mới này sẽ hỗ trợ cho giới trẻ sử dụng nhắn tin không dấu mà không gây hiểu lầm. Coi nó đơn thuần chỉ là một công cụ gõ tắt khi sử dụng trên các thiết bị điện tử.

Ngoài ra, ưu điểm của “Chữ Việt Nam song song 4.0” là không dấu có thể sử dụng ở bất kỳ điện thoại hay máy tính nào, mà không cần bộ gõ Tiếng Việt hỗ trợ nên sử dụng trên Internet sẽ rất hiệu quả.

Giấy chứng nhận bản quyền tác giả của công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0".

Giấy chứng nhận bản quyền tác giả của công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0".

Không có mục đích cải tiến chữ Quốc ngữ

Vị tác giả này cho rằng, sáng tạo là quyền tự do của mỗi người và bộ chữ Việt nhanh này giống như ứng dụng giải trí trên internet, điện thoại hỗ trợ viết nhanh, viết tắt cho giới trẻ trong thời đại công nghệ 4.0. Mọi người có quyền lựa chọn sử dụng nó hoặc không.

Sở dĩ để tên công trình là “Chữ Việt Nam song song 4.0” vì tác giả muốn nó sẽ hướng đến phát huy lợi thế nhiều nhất trên các hệ thống máy tính, công nghệ thông tin. Điều này đã được nhiều kỹ thuật viên IT kiểm chứng.

"Độc giả cần đặt bộ chữ Việt nhanh của tôi vào hoàn cảnh và mục đích phù hợp để thấy nó không sai; đừng vội đặt bộ chữ vào hoàn cảnh giao tiếp, đọc hiểu kiểu truyền đạt thông tin truyền thống để phán xét, lăng mạ.

"Bộ chữ của chúng tôi chỉ là một loại chữ viết tắt không dấu và không phải chữ cải tiến như một số thông tin thời gian gần đây”, ông Lâm nói.

Tác giả "lạc quan" cho rằng một sản phẩm mới ra đời thì bao giờ cũng có những ý kiến phản biện trái chiều. Ông trân trọng điều đó và cho biết bản thân cần nhiều thời gian chứng minh bằng thực tiễn sản phẩm.

“Nếu mọi người sẵn sàng học thử và thử áp dụng, tôi tin rằng chính những ai từng phản biện gay gắt với công trình này sẽ nhận ra tính ứng dụng cao trong thời đại số hóa 4.0”, ông Kiều Truờng Lâm nói.

"Chữ Việt Nam song song 4.0" là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ.

Nó cho phép người sử dụng đọc được lưu loát trọn vẹn vì trong "Chữ Việt Nam song song 4.0" có sự biến đổi linh hoạt giữa các vần Chữ Việt nhanh của thầy Trần Tư Bình; sự luân chuyển giữa các ký hiệu dấu, tạo ra chữ viết có độ chính xác cao giúp người sử dụng nhận biết được mặt chữ và đọc được.

Cụ thể, bỏ bớt dấu sắc ở mọi từ có chữ cái cuối là: C, P, T, CH, chữ I thay cho Y, Y thay cho UY. Ở phụ âm đầu, chữ F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH.

Ở phụ âm cuối, chữ thì G thay NG, H thay NH, K thay CH. Nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYE còn là Y, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, OE còn E, OA còn O... Và cùng lúc thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như T bằng D, P bằng F, C bằng S, N bằng L...

Như vậy, ráp 10 nguyên âm rút gọn vào 8 chữ cái cuối khác, ghi gọn được 52 vần trên mỗi vần chỉ còn 2 chữ cái, như UYÊT, UYÊN = YD, YL. Ví dụ thuyết chuyện = thyd chỵl. Tuy cách viết khác với vần quốc ngữ nhưng cách đọc vẫn như nhau.

Đồng thời, có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. J = Dấu sắc, L = Dấu huyền, Z = Dấu hỏi, S = Dấu ngã, R = Dấu nặng. Nhóm X, K, V, W, H thay thế 5 dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng + dấu trăng ᨆ hay dấu móc ˀ cho các chữ ắ ằ ẳ ẵ ặ, ớ ờ ở ỡ ợ, ứ ừ ử ữ ự.

Nhóm B, D, Q, G, F thay thế 5 dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng + dấu nón ^ cho chữ ấ ầ ẩ ẫ ậ, ế ề ể ễ ệ, ố ồ ổ ỗ ộ. Nhóm O, Y, P, trong đó chữ O thay thế dấu trăng ᨆ hoặc dấu móc ˀ cho chữ có thanh ngang như ă, ơ, ư; chữ P là ký hiệu chữ bỏ dấu thanh & dấu phụ, chỉ đặt P sau chữ không có dấu thanh và dấu phụ nào trong chữ có vần để không bị hiểu lầm qua chữ khác; chữ Y thay thế dấu nón ^ cho chữ có thanh ngang như â, ê, ô.

Video: Chính phủ không có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dien-dan/bi-du-luan-phan-doi-gay-gat-cha-de-bo-chu-viet-nam-song-song-40-noi-gi-ar537716.html