Bị đuổi vì không tham gia tiệc tùng của công ty
Mỗi khi văn phòng lên kế hoạch tổ chức tiệc, Akshay, kỹ sư âm thanh, phải dành nhiều ngày để chuẩn bị gợi ý trò chuyện và chiến lược rút lui trước khi sếp say xỉn.
Trước khi Arman Khan, cây viết của VICE, cộng tác tại một tạp chí về phong cách sống vào năm ngoái, cô đã nhận được nhiều lời cảnh báo từ bạn bè về nơi này.
“Họ nói rằng tôi sẽ thất vọng nếu mong đợi những bữa tối sau giờ làm, cuộc trò chuyện vui vẻ với đồng nghiệp hoặc được truyền cảm hứng từ công việc. Thay vào đó, thứ tôi phải đối mặt là các cuộc gọi hàng tuần nhàm chán, khô khan hơn cả sa mạc Sahara với nhóm quản lý và những người chọn cách im lặng như một cơ chế để đối phó”, Arman kể lại.
Tuy nhiên, Arman đánh giá trải nghiệm này vẫn tốt hơn nhiều so với niềm vui gượng ép mà một số người bạn của cô đã phải chịu đựng ở công ty.
“Từ những bữa tiệc thường niên, nơi sếp uống say và bắt đầu hỏi những câu khó xử, ép nhân viên nhảy múa đến các buổi ăn mừng sinh nhật hàng tháng với bánh ngọt rẻ tiền, nước trái cây đóng hộp và truyền thống ‘Ông già Noel bí mật’ vào Giáng sinh. Không phải tất cả trong số đó đều tệ hại, nhưng hầu hết bộ phận nhân sự (HR) không biết cách tổ chức một sự kiện, khiến nó trở nên khập khiễng và chẳng ai muốn đến”, Arman nói thêm.
Sa thải vô lý
Tháng 11/2022, một tòa án ở Pháp đã tuyến bố anh T, nhân viên làm việc 4 năm cho một công ty tư vấn, bị sa thải oan vào năm 2015 vì không tham gia các hoạt động bonding do công ty tổ chức, bao gồm hội thảo và sự kiện cuối tuần.
Theo anh T, những buổi vui chơi này thường liên quan đến tiệc tùng và xảy ra bắt nạt nặng nề. Chẳng hạn, ngủ chung giường khi đi công tác, chế nhạo hành vi tình dục, sử dụng biệt danh thô tục cho nhau và thậm chí đăng ảnh “bịa đặt”, xuyên tạc lên mạng.
Về phía người sử dụng lao động, lý do sa thải T là vì anh quá cứng nhắc về mặt giao tiếp xã hội, luôn đứng bên lề trong các sự kiện và sử dụng giọng điệu hạ thấp để nói chuyện với cấp dưới.
Sau thời gian dài kháng cáo, tòa án cấp cao của Pháp đã ra phán quyết rằng anh T không có nghĩa vụ phải tham gia các hoạt động này, dựa trên trích dẫn Công ước châu Âu về Nhân quyền và bộ luật lao động của xứ sở rượu vang.
Không phải ai cũng có tiền, thời gian và nguồn lực để kiện những ông chủ buộc nhân viên phải tham gia vào một môi trường công sở độc hại.
Sau 2 năm Covid-19 khiến mọi cuộc vui bị tạm dừng, giờ đây các buổi tiệc trở nên bùng nổ hơn. Đối với một số người, việc giao lưu với đồng nghiệp sau giờ làm là cách hay để gỡ bỏ sự ngại ngùng và kết nối với nhau hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một nhóm khác lại không nghĩ như vậy. Họ muốn tách biệt những thứ trên văn phòng với cuộc sống riêng tư và dành thời gian rảnh cho bạn bè hơn là đi uống rượu với đồng nghiệp.
Theo Krunal Shah, Giám đốc nhân sự tại một tổ chức phi lợi nhuận, mục đích của HR khi thực hiện các hoạt động này là để phá bỏ những bức tường cứng nhắc về tính chuyên nghiệp.
“Các buổi liên hoan có thể khiến công việc trở nên nhẹ nhàng, ít nghiêm trọng hơn và thúc đẩy tinh thần của nhân viên. Tuy nhiên, nó nên mang tính chất tự nguyện chứ không phải bắt buộc. Nhiều người chỉ muốn làm việc rồi về nhà và chúng ta không thể bắt họ tham gia các buổi gặp gỡ ngoài giờ hành chính. Ngay cả tôi cũng không đến các bữa tiệc mà mình không thích”, Krunal nói.
Trong cuốn sách Fun at Work: How to Boost Creativity, Unleash Innovation and Reinvent the Future of Work Using the Transformative Power of Play (2022), tác giả Greg Winteregg lập luận rằng “học cách đi loanh quanh để trò chuyện” có thể giúp nhân viên tăng sự hài lòng trong công việc và dễ dàng giải quyết vấn đề.
Sợ cảnh nhậu nhẹt
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vocational Behavior cho thấy những người tham gia các sự kiện giải trí tại nơi làm việc, chẳng hạn như chơi game hoặc giao lưu với đồng nghiệp, sẽ có mức độ vui vẻ trong công việc cao hơn và hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả tốt hơn nhóm còn lại.
Theo thống kê khác được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Warwick, những nhân viên hạnh phúc có năng suất nhỉnh hơn 12% so với các đồng nghiệp của họ.
Nhóm chuyên gia cũng phát hiện ra rằng việc tạo cơ hội cho người lao động tham dự các hoạt động kết nối có thể góp phần mang lại hạnh phúc cho họ.
Shah thừa nhận nhiều công ty có thể định vị các sự kiện này như một nỗ lực nhằm khuyến khích nhân viên nghĩ về vai trò của họ trong tổ chức là phần nhỏ của đại gia đình lớn.
Vào thời điểm nỗi lo lắng về việc bị sa thải lan rộng, giải pháp này cũng có thể bị coi là nỗ lực hời hợt nhằm nâng cao tinh thần hoặc một khoản chi phí thà được chuyển vào tài khoản ngân hàng của nhân viên còn hơn là những cuộc nhậu nhẹt rẻ tiền.
Theo bác sĩ tâm thần Ruksheda Syeda, bị buộc phải tham gia các hoạt động sau giờ làm, đặc biệt là đối với những thành viên nhóm thiểu số (về tuổi tác, giới tính hoặc tôn giáo) có thể trở thành một thách thức lớn bên cạnh việc phải cật lực cống hiến gấp đôi để chứng minh mình trước số đông.
Ngoài ra, điều này cũng bỏ qua sự khó khăn của những trường hợp mắc chứng rối loạn thần kinh và tự kỷ, một người mắc chứng lo âu xã hội và thậm chí cả ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý).
“Khi văn phòng tổ chức những bữa tiệc mà mọi người đều phải tham dự, tôi đã rất sợ hãi trong nhiều ngày trước đó”, Akshay, kỹ sư âm thanh, cho biết.
Kế hoạch của Akshay để đối phó với những buổi liên hoan này là đi cùng với một đồng nghiệp thân thiết, chuẩn bị trước vài gợi ý cho các cuộc hội thoại và có chiến lược rút lui sau khi sếp say xỉn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-duoi-vi-khong-tham-gia-tiec-tung-cua-cong-ty-post1414015.html