Bị đúp

Tôi học tiểu học cách đây gần 30 năm. Sau mỗi năm học, lớp tôi thường có 3-4 bạn bị đúp (không được lên lớp). Một học sinh (HS) bị đúp, nhiều người buồn.

Trước hết là bạn đó, sau đến thầy cô, bố mẹ, bạn bè… Không ai muốn mình bị đúp, phải học lại chương trình cùng với các em ít tuổi hơn. Nhưng ngày ấy, đa số mọi người cùng chung quan điểm bị đúp thì học lại, cố gắng hơn để năm sau lên lớp. Đó là cách tốt nhất để HS học tập, rèn luyện, vượt qua khó khăn bằng chính thực lực của mình.

Một số phụ huynh biết con mình học yếu, muốn con được lên lớp song khi nghe thầy cô phân tích cái được, cái mất thì họ cũng đồng ý để con học lại. Có những phụ huynh thấy con học kém, chủ động xin cho con ở lại lớp, dù thầy cô giáo có thể muốn “vớt” em đó. Thời ấy, dù số HS bị đúp nhiều hơn bây giờ song cũng là chuyện bình thường của ngành giáo dục.

Ngày nay, lớp nào, trường học nào có HS bị đúp không còn là chuyện bình thường nữa. Kết thúc mỗi năm học, phần lớn các lớp, các trường đều thông báo tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp là 100% hoặc trên 99%. Vì thế, nơi nào có HS bị đúp giống như một chuyện lạ, dư luận rất chú ý. Nó chứng tỏ căn bệnh thành tích trong đánh giá, xét duyệt HS lên lớp ngày càng nặng nề.

Các giáo viên đã và đang chịu nhiều áp lực trong thực hiện chỉ tiêu thi đua, quan trọng là phấn đấu tỷ lệ HS lên lớp, tốt nghiệp càng cao càng tốt. Nhiều trường đưa ra yêu cầu cho giáo viên là 100% số HS phải lên lớp. Yêu cầu này giống như một tảng đá hằng ngày đè nặng lên tinh thần giáo viên và HS.

Vì muốn tất cả HS đều được lên lớp, nhiều giáo viên đành “nhắm mắt cho qua” với những em học lực yếu kém mà lẽ ra phải bị đúp. Một số giáo viên muốn cho một số em ở lại lớp nhưng không được lãnh đạo nhà trường đồng ý, thậm chí bị khiển trách vì ảnh hưởng tới thành tích chung của trường. Đó là chưa kể còn có những phụ huynh HS xin giáo viên, lãnh đạo nhà trường để con mình được lên lớp cho “đỡ ngại”.

Thời gian qua, không ít HS bị ngồi nhầm lớp là hệ lụy đau lòng từ căn bệnh thành tích này. Các vụ việc HS ngồi nhầm lớp đều gây xôn xao dư luận cả nước. Đầu tháng 10 vừa qua, báo chí đưa tin một HS lớp 4 Trường Tiểu học Tam Bình ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) không biết đọc, viết rất chậm nhưng vẫn được các cô giáo chủ nhiệm ở những lớp dưới nhận xét là “đọc trơn viết thạo”.

Cuối tháng 5.2019, báo chí đưa tin 5 HS lớp 6, lớp 7 Trường THCS Đông Phước A ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Trước đó, báo chí cũng từng phanh phui nhiều vụ HS từ lớp 3 trở lên mà trình độ vẫn ở mầm non, lớp 1.

Con học kém mà được lên lớp, mới nghe qua tưởng như ai cũng hài lòng. Lãnh đạo trường vui vì các lớp có thành tích tốt; thầy cô thích vì dạy HS tiến bộ; bố mẹ mừng do con cái không bị đúp; HS phấn khởi vì được lên lớp. Nhưng ngẫm ra, chúng ta không thể hài lòng vì kết quả giả dối ấy. Nếu tiếp tục đồng lõa với sự giả dối thì căn bệnh thành tích của ngành giáo dục sẽ ngày càng lây lan nhanh và những HS - thế hệ tương lai của đất nước phải gánh chịu hậu quả đầu tiên.

Đánh giá sai kết quả học tập làm cho HS không biết học lực thật của mình, mình đang ở vị trí nào. Nhiều em ảo tưởng vì mình học kém lại nghĩ mình học được nên không cố gắng. Do tư tưởng ấy nên khi đã rời ghế nhà trường, đi làm, nhiều em bị sốc vì không đáp ứng được yêu cầu công việc bởi khi ấy xã hội sẽ đánh giá khách quan năng lực thực sự của mỗi người. Ngoài ra, các em học kém nhưng vẫn được lên lớp nên khi phải học kiến thức quá sức với mình, nhiều em rất khổ sở và phụ huynh, thầy cô giáo cũng vất vả.

Chỉ có học thật, đánh giá kết quả thật mới giúp HS có quan điểm phải sống thật với chính mình, tạo dựng năng lực thực sự cho bản thân để phục vụ cuộc sống sau này. Chỉ khi nào chuyện HS học kém phải ở lại lớp là lẽ thường, không có gì ồn ào thì lúc ấy chúng ta mới có thể nhận định bệnh thành tích trong việc này được đẩy lùi, tạo môi trường giáo dục văn minh.

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/bi-dup-120330