Bị gây sức ép rút quân sớm khỏi một nước châu Phi vì... Nga, chính phủ Đức thẳng thừng từ chối
Hiệp hội quân đội liên bang Đức đang yêu cầu chính phủ nước này rút ngay binh sĩ đồn trú khỏi Mali, song, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã đưa ra câu trả lời thẳng thắn.
Người đứng đầu Hiệp hội quân đội liên bang Đức André Wüstne cho rằng, Berlin nên rút khỏi sứ mệnh về quân sự của Liên hợp quốc (LHQ) và bắt đầu đưa quân rời Mali, quốc gia mà ông nhận định đang có lập trường thân Nga.
Tuy nhiên, ngày 27/2, một phát ngôn viên chính phủ Đức nói rằng, việc chính phủ quốc gia Tây Phi đứng về phía Nga "không có ảnh hưởng trực tiếp" đến việc triển khai quân đội liên bang tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA).
Chính vì vậy, chính phủ liên bang Đức thấy không có lý do gì để xem xét lại thời gian biểu cho sứ mệnh của quân đội nước này ở Mali.
Trong khi đó, theo một phát ngôn của Bộ Ngoại giao liên bang Đức, sứ mệnh ổn định của MINUSMA ở Mali không nhằm hỗ trợ chính phủ quốc gia vùng Sahel này mà là để bảo vệ dân thường.
Hồi cuối năm ngoái, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Berlin sẽ rút lực lượng khỏi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) vào tháng 5/2024, trong khi một nguồn tin khác nói rằng, việc rút quân sẽ diễn ra vào cuối năm 2023.
Về phía Mali, hồi đầu tháng 2, nước này đã đón tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến thăm lần đầu tiên.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diopand tuyên bố, nước này không cần phải biện minh cho việc lựa chọn đối tác là Moscow để tăng cường năng lực quân sự cũng như những hợp tác khác.