Bị giám đốc thẩm hủy án vì cho hưởng án treo sai
VKS kháng nghị hủy cả hai bản án để xét xử sơ thẩm lại theo hướng không cho hưởng án treo đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu và thực hành tích cực.
TAND Tối cao vừa ban hành bảy án lệ, trong đó có Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Nguồn án lệ dựa trên Quyết định giám đốc thẩm số 15/2022/HS-GĐT ngày 4-10-2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo N và 5 đồng phạm.
Theo hồ sơ, N cho anh T vay 150 triệu đồng nhưng đòi không được nên nảy sinh ý định lừa anh T ra Hà Nội để bắt giữ đòi nợ. Để thực hiện hành vi trên, N cùng 5 đồng phạm đã bắt nhốt, trói, đánh đập... và buộc anh T gọi điện cho người thân để trả nợ.
Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2019, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt các bị cáo phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 169 BLHS 2015. Tòa tuyên phạt bị cáo N 42 tháng tù, hai đồng phạm khác cùng mức án 36 tháng tù. Ba đồng phạm còn lại cùng mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
N và hai đồng phạm (không được hưởng án treo) kháng cáo xin xem xét lại tội danh, giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo, giảm án cho bị cáo N từ 42 tháng tù còn 24 tháng tù, một bị cáo từ 36 tháng tù còn 24 tháng tù, một bị cáo từ 36 tháng tù còn 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ba bị cáo còn lại từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo còn 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tháng 8-2021, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị hủy cả hai bản án để xét xử sơ thẩm lại theo hướng áp dụng điểm a, e khoản 2 Điều 169 đối với tất cả các bị cáo, tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu và thực hành tích cực. TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị này.
Hội đồng giám đốc thẩm nhận định các bị cáo thực hiện hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T nhằm gây áp lực để T phải gọi cho người thân chuyển số tiền 150 triệu đồng đã vay thì anh T mới được thả về.
Như vậy, mục đích của chuỗi hành vi mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng. Việc chị họ của anh T mới chuyển vào tài khoản của anh T 15 triệu đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn hơn 23 triệu đồng không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150 triệu đồng.
Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150 triệu đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh T. Vì vậy, các bị cáo phải bị xét xử về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung hình phạt chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng theo điểm e khoản 2 Điều 169 BLHS.
Theo TAND Tối cao, trong vụ án này, N là người khởi xướng, trực tiếp rủ các bị cáo khác, trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội, là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N.
Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, thực hiện nhất quán theo chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T kéo dài nhiều ngày. Do đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức” theo điểm a khoản 2 Điều 169 BLHS.
Việc tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng theo điểm e khoản 2 Điều 169 BLHS mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” là thiếu sót (Các lập luận trên cũng là nội dung của án lệ).
Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-giam-doc-tham-huy-an-vi-cho-huong-an-treo-sai-post755970.html